10 sự kiện kinh tế trong nước năm 2014

Báo Tin tức trân trọng giới thiệu 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2014 tại Việt Nam.

1. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra


Trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều khó khăn và thách thức lớn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm trước, vượt so với mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là 5,8%. CPI bình quân cả năm ước tăng 4,09% so với năm 2013, là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 150 tỷ USD. Tuy nhiên, bội chi ngân sách còn cao, nhiều khó khăn trong giải quyết nợ công và nợ xấu.

2. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Việt Nam đang khẳng định nỗ lực tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong năm 2014 đã có 12 luật về kinh tế trong tổng số 29 luật được Quốc hội thông qua. Điển hình là Luật đầu tư công 2014, Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi)… Đây là bước tiến và đổi mới mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chứng kiến lễ ký Bản thỏa thuận kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. Ảnh: Đức Tám–TTXVN


3. Hoàn tất đàm phán hai hiệp định thương mại tự do


Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc và FTA với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, đồng thời đạt được thỏa thuận về định hướng kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia đàm phán ba FTA khu vực, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); và FTA với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA).

4. Hoàn thành nhiều công trình quan trọng

Năm nay đã có nhiều công trình quan trọng được đưa và sử dụng, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Điển hình là các công trình: Tuyến cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, công trình tòa nhà Quốc hội, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án cầu Nhật Tân… Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước mà còn góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại.

5. Đột phá cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh


Ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, các bộ ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nổi bật là lĩnh vực thuế, hải quan.

6. Ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối


Ngân hàng nhà nước triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước không phải tổ chức đấu thầu vàng miếng. Dự trữ ngoại tệ tăng, ở mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng.

7. Phê duyệt và triển khai gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân bám biển


Thực hiện Nghị quyết số 72/2014/QH13, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết các Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 và tháng 6 năm 2014, ngày 3/7/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã chủ trì họp thường trực Chính phủ quyết định Phương án phân bổ, sử dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Đây là chính sách giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lượng chức năng trên biển của Việt Nam, đảm bảo an toàn, hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày và nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Chế biến thực phẩm đông lạnh để xuất khẩu. Ảnh: TTXVN



8. IPO thành công 3 doanh nghiệp nhà nước lớn


Trong năm 2014, điểm sáng của quá trình cổ phần hóa là thành công trong việc đấu giá cổ phần lần đầu ba doanh nghiệp nhà nước lớn gồm Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)... Việc đấu giá các doanh nghiệp Nhà nước có vốn hóa lớn này đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ trong hai năm 2014-2015 phải thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước.

9. Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Với Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, lần đầu tiên người nước ngoà i được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Luật này đã mở rộng đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tạo thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam không phân biệt người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

10. Lần đầu thắng kiện và khởi kiện chống bán phá giá

Việt Nam đã thắng trong vụ kiện đầu tiên lên Tổ chức Thương mại Thế giới về các biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp đặt đối với mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam. Trong năm 2014, cũng lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường nội địa. Bằng Quyết định số 7896/QĐ-BCT ban hành ngày 5/9/2014, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan và Malaysia.


TTXVN/Tin tức



10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2014
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2014

Xin giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2014 do TTXVN bình chọn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN