Nhu cầu về AI đẩy doanh thu của ‘người khổng lồ’ ngành chip tăng 60%

“Gã khổng lồ” ngành chip TSMC ngày 10/5 cho biết doanh thu tháng 4/2024 đã tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ làn sóng nhu cầu lớn đối với chất bán dẫn tiên tiến được sử dụng trong các phần cứng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).

Thông báo chính thức của TSMC cho hay doanh thu hợp nhất của công ty trong tháng Tư vào khoảng 236,02 tỷ Đài tệ (7,2 tỷ USD), tương đương mức tăng 59,6% so với tháng 4/2023. Con số trên cao hơn đáng kể so với mức tăng 34,3% ghi nhận hồi tháng Ba.

Hồi tháng trước, TSMC cho biết doanh thu quý đầu tiên đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái lên 18,87 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng 27,6% trong quý II năm nay.

TSMC kiểm soát hơn một nửa sản lượng chip của thế giới và cung cấp chúng cho mọi sản phẩm công nghệ, từ điện thoại thông minh (smartphone) iPhone của Apple đến phần cứng AI tiên tiến nhất của Nvidia.

Thành công vang dội của ứng dụng ChatGPT do OpenAI phát triển đã khơi dậy “cơn sốt” AI. Nhu cầu trên toàn thế giới về các chip tiên tiến cần thiết để đào tạo và vận hành các dịch vụ AI đang ngày một tăng cao.

TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Mỹ vào tháng Tư, nâng tổng vốn đầu tư tại nước này lên 65 tỷ USD. Tuy nhiên, các dự án tại Mỹ của TSMC đã gặp phải trở ngại trong năm qua. Theo công ty, nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nhân lực vì sản xuất chip đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn cao.

Nếu thành công, nhà máy TSMC ở Arizona, Mỹ sẽ là lần đầu tiên những con chip siêu tiên tiến được sản xuất trên đất Mỹ.

Năm nay, TSMC cũng đã khai trương một nhà máy mới trị giá 8,6 tỷ USD ở đảo Kyushu phía Nam Nhật Bản. Đây cũng là một bước đột phá đối với Nhật Bản khi nước này đang cạnh tranh với Mỹ và châu Âu để thu hút các công ty bán dẫn bằng những khoản trợ cấp khổng lồ. Công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu cũng đang lên kế hoạch xây dựng một cơ sở khác ở Kumamoto, Nhật Bản để sản xuất những con chip tiên tiến hơn.

TSMC cuối tháng 4/2024 cho biết sẽ đưa công nghệ sản xuất chip mới có tên "A16" vào sản xuất trong nửa cuối năm 2026, qua đó mở ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ với đối thủ lâu năm là Intel trong việc sản xuất chip nhanh nhất thế giới.

Thông tin trên được TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp quan trọng cho các “ông lớn” công nghệ Nvidia và Apple, thông báo tại một hội nghị ở Santa Clara, California. Tại đây, các quản lý cấp cao của TSMC cho biết, các nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ là những người đầu tiên áp dụng công nghệ này thay vì các nhà sản xuất điện thoại thông minh.

Ông Kevin Zhang, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh của TSMC, cho biết công ty đã phát triển quy trình sản xuất chip A16 mới nhanh hơn dự kiến do nhu cầu từ các công ty chip AI, nhưng không nêu tên các khách hàng cụ thể.

Ông Zhang cho hay TSMC không tin rằng công ty này cần phải sử dụng máy khắc quang học cực tím "High NA EUV" mới của ASML để chế tạo chip A16. Tuần trước, Intel cho biết họ sẽ là công ty đầu tiên sử dụng loại máy này, có giá 373 triệu USD/chiếc, để phát triển chip 14A của mình.

Ngoài ra, TSMC cũng tiết lộ một công nghệ mới để cung cấp năng lượng cho chip máy tính từ mặt sau của chip. Công nghệ này sẽ giúp tăng tốc độ của chip AI và sẽ được đưa ra vào năm 2026. Intel cũng đã từng công bố một công nghệ tương tự, dự kiến sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh chính của công ty này.

Giới phân tích cho rằng các công nghệ vừa được TSMC công bố có thể đặt ra dấu hỏi về khẳng định của Intel hồi tháng Hai, rằng họ sẽ vượt qua TSMC trong việc sản xuất chip điện toán nhanh nhất thế giới với một công nghệ mới mà Intel đặt tên là "14A".

Song chuyên gia Kevin Krewell của công ty nghiên cứu TIRIAS Research cho rằng các công nghệ của cả Intel và TSMC đều phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thiện và cần có thời gian để chứng minh các chip thực tế có năng lực giống với những gì mà họ đã nói.

Chính phủ Mỹ trước đó đã công bố kế hoạch cung cấp cho TSMC khoảng 11,6 tỷ USD để hỗ trợ khoản đầu tư của nhà sản xuất chip này cho ba nhà máy chế tạo ở bang Arizona (Mỹ), khi công ty này cố gắng thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Bộ Thương mại Mỹ đã ký một thỏa thuận sơ bộ với TSMC Arizona Corporation - công ty con của TSMC, để cung cấp khoản tài trợ lên tới 6,6 tỷ USD và khoản vay khoảng 5 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS và Khoa học để hỗ trợ khoản đầu tư hơn 65 tỷ USD của TSMC vào lĩnh vực sản xuất chip.

Theo thỏa thuận không ràng buộc, TSMC Arizona đã cam kết xây dựng thêm một nhà máy thứ ba ở Arizona - một phần đầu tư sẽ giúp Mỹ đạt được mục tiêu sản xuất khoảng 20% chip tiên tiến của thế giới vào năm 2030.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết khoản đầu tư của TSMC vào Arizona sẽ hỗ trợ nỗ lực của Mỹ trong việc “đưa ngành sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới đến Mỹ”, vì các chất bán dẫn tiên tiến nhất sẽ được sản xuất tại Arizona là nền tảng cho công nghệ sẽ xác định an ninh kinh tế và an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21, bao gồm AI và điện toán hiệu năng cao.

Trong tháng 3/2024, TSMC đã giành lại vị trí trong nhóm 10 công ty giá trị nhất thế giới, khi tâm lý lạc quan về triển vọng công nghệ AI đã đẩy cổ phiếu của công ty lên mức cao kỷ lục.

Các nhà phân tích từ ngân hàng Morgan Stanley và JPMorgan Chase & Co. kỳ vọng “gã khổng lồ” ngành bán dẫn sẽ tiến xa hơn, trong bối cảnh doanh thu liên quan đến AI tăng cao và mức định giá mạnh mẽ.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với AI tạo sinh đã thúc đẩy sự phục hồi của nhóm cổ phiếu chip trên toàn cầu trong thời gian gần đây.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng cho hay chất bán dẫn phục vụ AI tạo sinh đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho TSMC. Họ cho biết, việc công ty mở rộng hoạt động ra nước ngoài cũng giúp giảm thiểu những lo ngại về địa chính trị.

Hương Thủy (TTXVN)
Làm việc với Tập đoàn của Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
Làm việc với Tập đoàn của Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Ngày 22/4, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN