Tổ hợp tên lửa vang bóng một thời của Liên Xô - Kỳ cuối

Ngoài các biện pháp tác chiến điện tử, Mỹ còn sử dụng rộng rãi hỏa lực chống tên lửa. Các vị trí SAM phải hứng chịu 685 vụ không kích, gần một nửa trong số đó là các cuộc tấn công bằng tên lửa Shrike, các vụ còn lại thực hiện bằng ném bom.

Năm 1966, 61 tên lửa của Liên Xô bị hư hại, năm 1967 là 90 tên lửa, trong đó chỉ khôi phục được hơn một nửa. Tổng cộng, trong chiến tranh Việt Nam, SAM bị vô hiệu hóa 241 lần. Tính trung bình, mỗi tiểu đoàn bị loại khỏi vòng chiến một lần trong năm, thay đổi vị trí trung bình 10 -12 lần/năm, và trong giai đoạn khốc liệt nhất là sau từ 2 - 4 ngày.

Sau các hoạt động của máy bay Mỹ, trong số 95 hệ thống SAM do Liên Xô cung cấp tới năm 1973 chỉ còn 39 hệ thống và 4 hệ thống ở các trung tâm đào tạo.

Trong bối cảnh đối đầu với các máy bay Mỹ như vậy, các tính toán SAM được ứng dụng kỹ - chiến thuật mới, dẫn đến sự hình thành các sư đoàn "phục kích" và "cơ động". Để nâng cao khả năng di chuyển, số lượng các phương tiện kỹ thuật tới một trạm dẫn đường SNR-75 giảm còn 1-2 bệ phóng. Các tiểu đoàn ẩn trong rừng rậm không mở máy, chờ thời điểm phóng tên lửa có hiệu quả.

Không phụ thuộc vào kết quả phóng tên lửa, tổ chức di dời khẩn cấp hệ thống trong thời gian từ 30 - 40 phút. Thực hành phương pháp phóng "giả", bằng cách mở kênh dẫn đường SNR-75 mà không phóng tên lửa. Sử dụng lưới lửa cao xạ gây khó cho máy bay Mỹ khi thực hiện cơ động chống tên lửa. Lợi ích lớn nhất là phương pháp "phóng giả" khiến phi công không thể phát hiện hoạt động dưới mặt đất.

Hình ảnh vệ tinh chụp lại vị trí của tên lửa S-75 tại Ai Cập.


Tại Việt Nam đã áp dụng một số sáng kiến chiến thuật khác. Kể từ tháng 11/1967 đã sử dụng phương pháp theo dõi mục tiêu không phát sóng SNR - theo điểm nhiễu chủ động tự ngụy trang. Mặc dù, theo các chuyên gia Liên Xô, SAM bắn rơi chỉ chưa đầy 1/3 số máy bay Mỹ song kết quả quan trọng nhất trong ứng dụng của họ là việc máy bay Mỹ phải thay đổi triệt để chiến thuật, buộc chúng phải bay ở tầm thấp, và bị lực lượng cao xạ, súng trường và tiêm kích tầm thấp gây thiệt hại nặng nề, hiệu quả sử dụng máy bay giảm đáng kể.

Được chế tạo chống lại máy bay ném bom kém linh hoạt và máy bay trinh sát tầm cao song S-75 đã khá hiệu quả khi đối phó với bay máy bay chiến thuật. Điều này đã tạo điều kiện để tiếp tục cải tiến hệ thống, chế tạo các tên lửa tầm xa hơn và nhanh hơn.

Ngoài Việt Nam, SAM S-75 được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Trung Đông. Theo nguồn tin phương Tây, Ai Cập, với 18 tổ hợp S-75 chỉ có thể phóng 22 quả tên lửa, bắn rơi 2 tiêm kích Mirage-IIICJ. Theo số liệu của Liên Xô, Ai Cập có 25 tiểu đoàn S-75, và số lượng máy bay bị tên lửa bắn hạ là 9. Tuy nhiên, sự kiện thất vọng nhất trong cuộc chiến là việc Israel chiếm được tại bán đảo Sinai một số thành tố của S-75, kể cả tên lửa.

Tên lửa phòng không được sử dụng thành công hơn trong cái gọi là "chiến tranh tiêu hao". Ngày 20/7/1969, Ai Cập bắn rơi máy bay Piper Cub của Israel và tới trước cuộc chiến năm 1973 đã bắn hạ 10 máy bay bằng S-75. Một sự kiện được Ai Cập đánh giá rất cao là vào ngày 17/9/1971, S-75  ở độ cao 30 km đã bắn rơi máy bay trinh sát C-97. Theo số liệu nước ngoài, trong "Chiến tranh tháng Mười" năm 1973, thêm 14 máy bay Israel bị bắn hạ khi Ai Cập và Syria sử dụng SAM S-75.

Phi công Israel không đánh giá cao khả năng chiến đấu của S-75. Tuy nhiên việc sử dụng hệ thống phòng không buộc họ không thể bay cao và phải chuyến sang bay thấp, khiến họ khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và tổn thất lớn trước các hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp và pháo cao xạ. Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu đã buộc phải mang các thiết bị gây nhiễu, làm giảm tải trọng chiến đấu và các chỉ số bay.

Công bằng mà nói, việc sử dụng S-75 ở Việt Nam thành công nhất. Theo hồi ức của các chuyên gia Liên Xô, có vẻ như động cơ của người Arab không lớn, cẩu thả, rập khuôn và các điều kiện chiến đấu cũng khó hơn. Địa hình sa mạc gây khó khăn hơn khi ngụy trang. Khi phóng tên lửa, hệ thống tạo ra đám mây bụi có thể quan sát từ xa.
Ngoài các cuộc chiến quy mô lớn ở Việt Nam và Trung Đông, hệ thống S-75 được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột khác, đầu tiên là cuộc đụng độ Ấn Độ-Pakistan năm 1965. Nạn nhân đầu tiên của S-75 trong "thế giới thứ ba" là máy bay An-12 của Ấn Độ, bị hạ do lầm tưởng là C-130 của Pakistan.

S-75 được sử dụng tích cực trong chiến tranh Iran-Iraq. Cả hai bên đều sử dụng nó để bảo vệ các thành phố, khu vực tập trung quân sự và nơi sản xuất dầu. Iran sử dụng biển thể SAM HQ-2 của Trung Quốc. Trong thập niên 1980, Syria một lần nữa sử dụng S-75 để chống lại các cuộc không kích của Israel.

Hệ thống tên lửa S-75 được Libya sử dụng chống các cuộc không kích của máy bay Mỹ trong chiến dịch "Canyon El Dorado" tháng 4/1986.

Trong những ví dụ gần đây nhất, S-75 được nhân tố nước ngoài sử dụng để hạ máy bay Su-27 của Nga ở Georgia trong cuộc xung đột Abkhazia ngày 19/3/1993. Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, lượng vũ trang Iraq bao gồm 38 tiểu đoàn S-75. Trong chiến đấu, chúng đã hạ và làm hư hỏng một số máy bay liên quân, trong đó có "đại pháo cơ" AC-130. Tuy nhiên, phần lớn các tổ hợp phòng không S-75 này đã bị phá hủy.

Trong cuộc xâm lược của phương Tây chống Libya, không xác định được lần phóng nào của S-75. Tất cả SAM của Libya bị phá hủy bởi các cuộc không kích, pháo bắn từ mặt đất hoặc bị "quân nổi dậy" chiếm.

Nga từ đầu thập niên 1990 đã loại S-75 khỏi phiên chế quân đội, tuy nhiên, chúng tiếp tục được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và một số nước khác sử dụng.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)


Tổ hợp tên lửa vang bóng một thời của Liên Xô - Kỳ 2
Tổ hợp tên lửa vang bóng một thời của Liên Xô - Kỳ 2

Tổ hợp tên lửa S-75 đã trở thành “nỗi khiếp sợ” đối với các loại máy bay của Mỹ và phương Tây, từ máy bay ném bom chiến lược tới máy bay trinh sát có tốc độ siêu âm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN