Quốc vương Abdullah - Nhà lãnh đạo thức thời

Quốc vương Abdullah: Quyền lực và giàu sang

Quốc vương Abdullah của đất nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Arabia đã băng hà ở tuổi 90. Sau 10 năm trị vì, Quốc vương Abdullah đã được ví là một nhà cải cách thận trọng, có nhiều chính sách quan trọng định hình lại Saudi Arabia.

Ông đã chèo lái con thuyền Saudi Arabia vượt qua những thời gian đầy thách thức, từ cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab cho tới sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo. Không chỉ thế, ông còn được coi là một người tích cực trong thúc đẩy nhân quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ.

Quốc vương Abdullah là một trong những người đàn ông giàu có và quyền lực nhất thế giới. Về của cải, là người đứng đầu quốc gia kiểm soát tới 1/5 trữ lượng dầu mỏ thế giới, Quốc vương Abdullah có khối tài sản trị giá 21 tỷ USD (theo ước tính cách đây vài năm). Về quyền lực, ông là người trông coi các khu vực thiêng liêng nhất của người Hồi giáo như Mecca và Medina, do đó là một trong những nhân vật quan trọng nhất của thế giới Hồi giáo. Năm 2014, ông đứng thứ 11 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes.

Quốc vương Abdullah.


Quyền lực và giàu sang đến với ông Abdullah từ trước khi ông kế nhiệm ngai vàng hồi tháng 8/2005. Sau khi Vua Fahd, anh trai cùng cha khác mẹ của ông Abdullah bị đột quỵ tháng 11/1995, với tư cách là thái tử kế vị, ông đã thay mặt Vua Fahd trị vì đất nước.

Nhiều quyền lực nhưng ông không thích người khác phải xưng hô “tâu quốc vương” trước khi nói chuyện với ông cũng như không để cho người dân thường phải hôn tay ông như nghi lễ thông thường. Ông từng khiến 7.000 công chúa, hoàng tử Saudi Arabia sốc khi thẳng tay cắt giảm tiền trợ cấp cho họ.

Sinh năm 1924, Abdullah bin Abdul Aziz al-Saud xuất thân từ một đại gia đình phức tạp. Cha ông là Abdul Aziz, một chiến binh bộ tộc, người khai lập ra vương quốc Saudi Arabia từ đất đai chiếm được của các đối thủ. Ông Aziz có tới 22 người vợ, 45 con trai và chừng 50 con gái.

Tổ tiên của Abdul Aziz có quy định duy trì từ năm 1744 đến nay, đó là chọn vợ chủ yếu để đảm bảo quan hệ liên minh với các bộ lạc Arab khác. Mẹ của ông Abdullah, bà Fahda bint Asi al-Shuraim, là con gái của bộ tộc Shammar có quyền lực trải rộng ở Syria, Iraq và Jordan.

Khi còn trẻ, Quốc vương Abdullah từng một lần lờ không nhường ghế cho khách và bị bố phạt tù ba ngày. Thời còn nhỏ, ông mắc tật nói lắp nhưng đã sửa được. Ông được các học giả Hồi giáo trong hoàng gia dạy tôn giáo, văn học Arab và khoa học. Ông học cách cưỡi ngựa và chiến tranh sa mạc từ người du mục Bedouin.

Năm 1962, ông được chỉ định làm chỉ huy Vệ binh quốc gia, lực lượng chuyên bảo vệ vua và đóng vai trò là đối trọng với quân đội. Trước ông, bốn anh em cùng cha khác mẹ đã lên ngôi vua.

Ông được Quốc vương Khalid chỉ định làm phó thủ tướng thứ hai năm 1975. Năm 1982, vua tiếp theo là Fahd đã chỉ định ông làm phó thủ tướng và thái tử kế vị. Khi Vua Fahd đột quỵ, ông Abdullah đã điều hành chính phủ với tước vị nhiếp chính. Về sau, dưới sức ép chính trị, ông buộc phải từ bỏ tước vị nhiếp chính nhưng vẫn là người ra quyết định quan trọng ở Saudi Arabia cho đến khi lên ngôi năm 2005. Trước khi Vua Fahd qua đời ngày 1/8/2005, ông Abdullah không ký tên mình dưới bất kỳ một văn bản chính thức nào.

Nấm mộ đơn sơ của Quốc vương Abdullah.


Một trong những đạo luật chính thức đầu tiên của Quốc vương Abdullah là ân xá cho hai người Libya bị cáo buộc âm mưu sát hại ông. Lệnh ân xá này được đưa ra sau khi Ai Cập hòa giải Saudi Arabia và Libya. Ông cũng ân xá ba học giả Saudi Arabia bị bỏ tù vì kêu gọi thông qua chế độ quân chủ lập hiến.

Về đời sống riêng tư, Quốc vương Abdullah theo đúng quy định của đạo Hồi, không lấy quá bốn vợ cùng lúc. Ông từng kết hôn ít nhất 13 lần, có ít nhất 7 con trai. Tất cả đều nắm giữ những vị trí quan trọng như tỉnh trưởng và quan chức trong Vệ binh quốc gia. Trong số 15 con gái của Quốc vương Abdullah, một người là một nhà vật lý nổi tiếng, một người là nhà hoạt động thúc đẩy quyền phụ nữ.

Ngoài khả năng khôn khéo khi nắm quyền lực và biết cách xử lý các phe phái đối lập hiệu quả, Quốc vương Abdullah còn biết cách thể hiện quyền lực và sự giàu sang của một nhân vật hoàng gia giàu nhất thế giới. Các cung điện của ông ở thủ đô Riyadh và Jeddah đều có thủy cung diện tích rộng bằng nhiều căn phòng và nuôi đầy cá mập. Ông có nhiều dinh thực mênh mông và có du thuyền đắt giá. Khi đi chữa bệnh ở nước ngoài, tháp tùng ông là cả một phi đội máy bay phản lực.

Ông nổi tiếng là một nhà từ thiện hào phóng. Ông đã góp hơn 50 triệu USD giúp Trung Quốc khôi phục lại sau thảm họa động đất Tứ Xuyên năm 2008, hỗ trợ 300.000 USD xây lại một trường học ở New Orleans, Mỹ sau cơn bão Katrina. Ông từng góp 500 triệu USD cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc và 10 tỷ USD cho quỹ của Đại học Khoa học và Công nghệ Vua Abdullah.

Sống trong cung điện xa hoa nhưng khi qua đời, ông được liệm trong một tấm vải đơn sơ, được chôn cất trong một nấm mộ vô danh, đơn giản theo truyền thống của Hồi giáo. Theo quan điểm của người Hồi giáo, tất cả mọi người khi chết đều bình đẳng trước Thánh. Tín ngưỡng của người theo dòng Hồi giáo Wahhabi, một nhánh của dòng Sunni, không chấp nhận những đền thờ nguy nga.

Nhắc đến Quốc vương Abdullah, người ta không chỉ nhắc đến giàu sang và quyền lực mà còn trân trọng nhiều di sản quan trọng ông để lại cho Saudi Arabia, cho dù một số di sản còn gây tranh cãi.

Xem Kỳ cuối: Di sản đồ sộ


Thùy Dương




Di sản đồ sộ của Quốc vương Abdullah
Di sản đồ sộ của Quốc vương Abdullah

10 năm trị vì của Quốc vương Abdullah là quãng thời gian ông nỗ lực không ngừng nghỉ để cân bằng truyền thống, tập tục của người Hồi giáo với nhu cầu của thế giới hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN