Cuộc đời tay súng bắn tỉa 'bách phát bách trúng'-Kỳ 1

Có ba điều người ta cần phải biết về Chris Kyle, một tay súng bắn tỉa thuộc lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ: Một người đàn ông vì gia đình, một tay súng bắn đâu trúng đấy và một cái chết bi kịch. Dù vậy, cuộc đời của Chris Kyle gây tranh cãi ở Mỹ khi một bên ca ngợi anh như một anh hùng, một bên coi anh chỉ là một cỗ máy giết người đầy thù hận.

Kỳ 1: “Quỷ dữ Ramadi”

Sáng 2/8/2006, ba lính SEAL Hải quân Mỹ đang đi trên mái một tòa nhà 4 tầng ở thành phố Ramadi, miền trung Iraq. Chris Kyle là một trong số đó. Anh vào vị trí cùng khẩu súng trường của mình, mắt quét các con phố bên dưới, sẵn sàng nhằm bắn bất kỳ tên phiến quân nào xuất hiện để bảo vệ đồng đội đang lùng sục và phong tỏa các ngôi nhà bên dưới.

Đó là một giai đoạn đặc biệt đẫm máu của cuộc chiến tại Iraq. Lúc đó, Kyle 32 tuổi và vụt sáng với tài bắn tỉa thiện nghệ của mình. Mùa hè năm đó, anh đã cán đích tiêu diệt kẻ địch thứ 100, trong đó 91 tên ở Ramadi. Anh đang trên đường trở thành một trong những tay súng bắn tỉa xuất sắc nhất lịch sử Mỹ khi được xác nhận đã tiêu diệt 160 kẻ thù. Trong thực tế, Kyle cho biết anh đã tiêu diệt ít nhất hơn 200 mục tiêu.

Chris Kyle.



Chỉ huy của Kyle đã viết trong một bản báo cáo đánh giá rằng Kyle đã từng đơn độc đập tan một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào một tiền đồn chiến đấu của Hải quân Mỹ. Trong hai bản báo cáo đánh giá trước đó, Kyle đều được đề xuất tham gia Đội 6 - đơn vị tinh nhuệ nhất của SEAL và cũng chính là đơn vị đã tiêu diệt Osama bin Laden. Kyle được tặng hai ngôi sao bạc vì thành tích trong chiến đấu. Tài bắn đâu trúng đấy của Chris Kyle khiến phiến quân ở Iraq khiếp sợ, gọi anh là “quỷ dữ ở Ramadi” và treo thưởng cho cái đầu của anh là 20.000 USD, về sau tăng lên 80.000 USD. Để có một phát đạn chuẩn xác, Kyle sẵn sàng bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để chuẩn bị.

Trong cuốn hồi ký “American Sniper” (Lính bắn tỉa Mỹ) xuất bản năm 2012, Chris Kyle hồi tưởng lại một số kỳ tích của mình. Có lần ở Ramadi, anh đã bắn chết hai phiến quân đang lái xe máy chỉ bằng một viên đạn. Lúc đó, Kyle phát hiện hai tên phiến quân chạy xe máy dọc đường và thả xuống đường một cái balo đựng thuốc nổ. Ngay lập tức, Kyle đã nhằm bắn vào tên ngồi sau ở khoảng cách chừng 137 m. Viên đạn xuyên qua người hắn và giết chết luôn cả tên cầm lái. Với tâm lý của một kẻ say máu, Kyle viết: “Khi bạn làm cái nghề mà công việc là giết người, bạn bắt đầu trở nên sáng tạo”.

Kyle bị phiến quân Iraq gọi là “quỷ dữ Ramadi.


Một lần khác, Kyle giết chết một tay súng từ vị trí cách đó hơn 1 dặm (1,6 km) khi tên này chuẩn bị bắn rocket vào đoàn xe lính Mỹ. Lúc đó, khi ở trên mái nhà, Kyle không thể nào báo động cho đoàn xe và buộc phải tìm cách bắn tên phiến quân đang loay hoay chuẩn bị bắn rocket. Phát đạn từ xa khiến tên phiến quân đổ gục và Kyle gọi đó là may mắn. Đây là một trong những phát bắn xa nhất trong lịch sử. Ở khoảng cách đó, các tay súng bắn tỉa phải tính đến hoạt động quay của Trái Đất khi ngắm bắn.

Người đầu tiên Kyle hạ thủ là một phụ nữ ở Nasiriya, Iraq năm 2003 khi người này chuẩn bị ném một quả lựu đạn vào các lính thủy đánh bộ đang tiến gần. Trong một lần phỏng vấn với tờ Time, Kyle nói: “Lần đầu tiên bạn giết một ai đó, bạn thậm chí còn không biết chắc mình có thể làm được không”.

Kyle coi việc giết chóc là một phần cần thiết để bảo vệ lính Mỹ. Anh cũng cho biết không bao giờ hối hận vì đã bóp cò. Hoặc là anh tiêu diệt mối đe dọa, hoặc là mối đe dọa đó nã súng vào đồng đội của anh. Kyle nói: “Họ chỉ là các mục tiêu. Anh không thể nghĩ họ là người có gia đình, công việc khi họ gieo rắc kinh hoàng vào tim những người vô tội”.

Brandon Webb, người đã hướng dẫn Kyle trong khóa huấn luyện bắn tỉa của SEAL khi mới vào nghề, cho rằng Kyle có thể đi vào lịch sử với tư cách là một trong những tay súng bắn tỉa quân đội thành công nhất thế giới nhưng anh luôn luôn tỏ ra khiêm nhường. Còn Scott McEwen, đồng tác giả cuốn “American Sniper” nói rằng di sản của Chris Kyle không nằm ở chỗ anh giết được bao nhiêu kẻ thù mà là ở chỗ anh cứu sống được bao nhiêu mạng binh sĩ Mỹ.

Sau khi rời quân ngũ năm 2009 và dọn về Midlothian, bang Texas ở cùng vợ Taya và hai đứa con. Anh trở thành chủ tịch của công ty Craft International, một công ty huấn luyện chiến thuật cho quân đội Mỹ và cộng đồng thực thi pháp luật.

Năm 2012, nhà xuất bản HarperCollines đã xuất bản cuốn tự truyện Amercan Sniper của Chris Kyle. Lúc đầu, Kyle ngần ngại, nhưng sau khi được thuyết phục, anh đã viết và kể về trải nghiệm chiến đấu của mình. Cuốn sách bán rất chạy ở Mỹ và đã được đạo diễn Clint Eastwood chuyển thể thành bộ phim bom tấn cùng tên.

Tuy nhiên, cuộc sống sau khi xuất ngũ của Chris Kyle không hề dễ dàng. Trở về nhà với bao vết thương trên cơ thể và tâm hồn, chứng kiến những khốc liệt của chiến trường đẫm máu, Kyle đã bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, dẫn đến những xáo trộn trong cuộc sống gia đình.


Đón đọc kỳ tới: Vết thương khó lành

Thùy Dương
Cuộc đời tay súng bắn tỉa “bách phát bách trúng” - Kỳ cuối: Kết cục bi thảm
Cuộc đời tay súng bắn tỉa “bách phát bách trúng” - Kỳ cuối: Kết cục bi thảm

Định mệnh bi thảm của Chris Kyle bắt đầu từ ngày 25/1/2013. Khi Kyle vừa thả lũ trẻ ở trường học và định lái xe ra khỏi bãi đỗ thì một phụ nữ chặn đầu xe và giới thiệu là Jodi Routh, có con trai là Eddie Ray Routh 25 tuổi, từng là lính thủy đánh bộ đang bị chứng sang chấn (PTSD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN