Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ - Kỳ cuối

Bước ngoặt cuộc đời của Jack Barsky diễn ra khi KGB đột nhiên ra lệnh cho ông trở về Đông Đức vì cho rằng ông đã bị lộ.

Barsky được hướng dẫn tìm hộ chiếu và tiền giấu trong một thùng dầu tại một địa điểm bí mật. Nhưng Barsky lúc này lại không muốn trở về Đông Đức. Ông bịa chuyện với người quản lý rằng ông bị nhiễm HIV và chỉ có thể điều trị ở Mỹ. Năm 1988, một điệp viên KGB gặp Barsky ở New York và nói rằng nếu không quay về Đông Đức, ông sẽ chết chắc.

Barsky luôn trăn trở vì những hành động trong quá khứ của mình.


Dù bị gây áp lực nhưng Barsky quyết định đánh bạc với KGB, cho rằng KGB không thể truy tìm ông cũng như trả thù ông. Lúc đó, Barsky cảm thấy mình phải chọn giữa cô con gái Chelsea vừa mới chào đời và cậu con trai Matthias ở Berlin. Ông nói: “Con gái cần tôi hơn”.

Từ năm 1986, Gerlinde và Matthias biến mất khỏi cuộc sống của Dittrich. Nhưng với mẹ Dittrich, bà không cam tâm. Bà đã liên lạc với Đại sứ quán Đông Đức ở Moskva và nhờ truyền hình ở Moskva đăng tin tìm con. Bà thậm chí còn viết thư cho lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Mãi đến năm 1996, Bộ Ngoại giao Đông Đức mới xác nhận thông tin mà Barsky nói với gia đình không đúng sự thật. Dự án ở Baikonur mà Dittrich nói là mình làm việc ở đó đã chấm dứt từ năm 1978. Mẹ Dittrich sau đó qua đời vì bệnh Parkinson. Bà chết mà vẫn đau đáu vì con trai đã nói dối mình.

Em trai của Dittrich nói: “Nếu anh Dittrich biết anh ấy đã làm gì với mẹ của chúng tôi thì anh ấy có thể đã hành động khác. Anh ấy phải sống trong tội lỗi”.

Vợ Dittrich ở Đông Đức dù biết chồng là một điệp viên mật nhưng vẫn khó khăn khi phải đối diện với sự mất tích bí ẩn của chồng. Bà đã tuyên bố chồng chết và ly hôn. Bà không bao giờ muốn nhắc đến chồng cũ.

Trong khi đó, bản thân Matthias đã gặp Chelsea, em gái cùng cha khác mẹ. Cuộc gặp diễn ra sau khi ông bố chung của hai người nói với Chelsea lúc cô 18 tuổi rằng ông là điệp viên và cô có một anh trai ở Đức. Chelsea viết thư cho anh trai và hai anh em gặp nhau năm 2005 khi Matthias tới Mỹ. Tại đây, Matthias cũng gặp lại bố lần đầu sau gần 20 năm. Cuộc gặp đầy sự tức giận bị kìm nén và những vấn đề chưa được giải quyết.

Cách đây vài tháng, năm 2015, Jack Barsky đã tới Berlin, chuyến trở về đầu tiên trong 28 năm. Ông muốn làm lại cuộc đời và sửa chữa những lời nói dối của mình. Ông càng cố quên quá khứ thì nó càng ám ảnh ông. Đến mức, ông buộc phải phá bỏ quy tắc của mình là tách bạch hai cuộc sống của Dittrich và Barsky. Trước khi rời New York, ông đã viết lên lịch của mình: “Để xem Barsky và Dittrich có thể hòa giải được không”.

Dù vậy, chuyến trở về Berlin đã làm ông trăn trở nhiều. Ông sẽ phải nói gì với con trai? Rằng ông đã bỏ nó vì người khác quan trọng hơn nó? Rằng ông đã lấy vợ lần nữa, sinh thêm con và không bao giờ kể với họ về gia đình của mình ở Đức? Barsky cho biết ông sợ phải đối diện với sự thật ở Berlin và đối diện với những câu hỏi không thể tránh khỏi. Ông biết mình không thể trả lời.

Barsky đã lên kế hoạch chi tiết cho sự trở về của mình để có thể làm chủ mọi tình huống. Ông sắp xếp lịch gặp gia đình, bạn bè từ thời trung học, đại học trong chuyến trở về 2 tuần. Ông thăm cả đội bóng rổ cũ của mình và ngôi nhà mà bố mẹ ông từng sống ở Saxony. Người duy nhất Barsky không định gặp là Gerlinde.

Barsky và gia đình hiện tại.


Khi về Berlin, Barsky định tìm gặp lại con trai Matthias, lúc này đã 33 tuổi, tốt nghiệp ngành hóa giống bố mình và đang làm dược sĩ ở Berlin. Matthias lớn lên không có bố mà không biết tại sao, không biết bất kỳ điều gì về ông hay công việc của ông.

Tuy nhiên, Matthias đã không gặp bố vì tức giận khi mình chỉ là một nhiệm vụ phải hoàn thành trong danh sách những việc cần làm ở Berlin của bố. Barsky đã không có cơ hội giải thích với con trai.

Trong khi đó, Barsky và vợ Penelope ở Mỹ đã ly dị. Họ vẫn đang tranh cãi pháp lý gay gắt về tiền bạc và chuyện ai nói dối ai, ai làm ai đau khổ hơn. Năm 2014, 36 năm sau khi lần đầu đặt chân lên đất Mỹ, ông đã trở thành công dân Mỹ. Ông được dùng cái tên Jack Barsky nhờ sự giúp đỡ của đặc vụ FBI Reilly.

Sau chuyến đi Đức, Barsky trở về căn nhà gỗ xinh đẹp mới mua ở New York. Nơi đó, gần cái ao hình trái tim trong sân nhà, có cô bé nhỏ xinh tóc xoăn đang chơi đùa. Đó là Trinity, con gái 4 tuổi của Barsky và người vợ thứ ba, Shawna.

Barsky cho hay chính Shawna, một người Thiên chúa giáo mộ đạo người Jamaica đã giúp ông tìm thấy Chúa, giúp ông đối mặt với lội lỗi quá khứ. Ông gần đây đã đi nhà thờ. Trong một lần xưng tội, ông nói rằng ông hối hận sâu sắc vì đã sống một cuộc đời lừa dối.
Thùy Dương
Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ - Kỳ 2
Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ - Kỳ 2

Câu chuyện điệp viên của Barsky là một cuộc hành trình rất dài, từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Barsky khi ấy là một nhà hóa học trẻ, tên là Dittrich, rất thông minh và điển trai nhưng có một điểm yếu: Anh luôn muốn nổi bật trong đám đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN