Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Cần chú trọng hiệu quả sau giám sát, chất vấn, giải trình

Sáng 29/7, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban với Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã quý II/2022 và thảo luận chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND các cấp thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN phát

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 và từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, trước những ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, hoạt động giám sát của HĐND các cấp thành phố Hà Nội vẫn duy trì tốt, bảo đảm công khai, minh bạch và bám sát các vấn đề của thực tiễn. Thành phần đoàn giám sát được mở rộng, hình thức giám sát được kết hợp với khảo sát thực tế trước, trong và sau giám sát.

Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND các cấp đã bảo đảm phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, đi sâu phân tích làm rõ vấn đề, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải có giải pháp, cam kết tiến độ, thời gian khắc phục những tồn tại, hạn chế. Hầu hết lãnh đạo UBND và các chức danh trong quy định đều đăng đàn trả lời chất vấn đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người trả lời chất vấn đối với hoạt động quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách và tạo được niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Việc thực hiện “tái giám sát” được chú trọng. Các vấn đề quan trọng của địa phương được thảo luận dân chủ trước khi quyết định. Thông qua công tác chuẩn bị và tổ chức phiên họp của Thường trực HĐND, các cơ quan có liên quan đã giải trình những vấn đề bức xúc, dân sinh, vấn đề quan trọng của địa phương. Việc đôn đốc, hướng dẫn hoạt động của Tổ đại biểu HĐND, nhất là việc hướng dẫn các Tổ tham gia giám sát theo tinh thần Luật mới được Thường trực HĐND các cấp thực hiện thường xuyên liên tục.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND các cấp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát, kiểm chứng việc thực hiện cụ thể chưa nhiều. Một số nội dung trong kết luận giám sát còn chung chung. Một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế do năng lực và kinh nghiệm của đại biểu đối với lĩnh vực được giám sát chưa đáp ứng. Công tác giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận giám sát chưa thường xuyên; hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức.

Ngoài ra, việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số đơn vị có lúc, có việc còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn; việc tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện.

Nguyên nhân của các tồn tại trên là do quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, về giám sát của HĐND còn một số nội dung chưa sát với thực tế, còn thiếu quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; thiếu quy định về trình tự, thủ tục thực hiện một số phương thức hoạt động giám sát của HĐND, như: quy định HĐND thành lập đoàn giám sát về một vấn đề nhất định khi xét thấy cần thiết. Chưa có quy định chế tài đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện chậm kiến nghị, kết luận sau giám sát. Một số nội dung, lĩnh vực giám sát chưa trọng tâm, chưa sát với thực tế; còn có những đại biểu kiêm nhiệm chưa dành đủ thời gian thích hợp cho hoạt động đại biểu theo quy định; về trình độ, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động, nhất là hoạt động giám sát của một số đại biểu, của thành viên các Ban, đặc biệt là cấp xã hiện còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, đại biểu HĐND còn chưa tập trung xây dựng và phát huy vị trí, vai trò của HĐND. Điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Bộ máy tham mưu giúp việc HĐND chưa hợp lý, nặng về công tác hành chính phục vụ, chức năng tham mưu còn nhiều hạn chế, chưa thực sự sát thực tiễn. Trong nhiệm kỳ ở một số địa phương đã 3 lần thay đổi về tổ chức, bộ máy cơ quan giúp việc ở HĐND thành phố. Các địa phương khác cũng hai lần thay đổi bộ máy cơ quan này.

Trình bày dự thảo chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND các cấp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quý Tiên đã nêu lên 7 nhóm giải pháp. Theo đó, tăng cường giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND; Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thông qua thẩm tra, xem xét các báo cáo tại kỳ họp HĐND; không ngừng đổi mới hình thức, nội dung, nâng cao chất lượng chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND; tăng cường tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND các cấp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả đảm bảo việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm của người được HĐND bầu theo quy định của luật và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số giải pháp khác.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, chức năng quan trọng của các cơ quan dân cử từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân phường, xã, thị trấn là chức năng giám sát. Chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND các cấp thành phố Hà Nội được thảo luận tại hội nghị rất quan trọng. Những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị đã nắm chắc vấn đề, nêu lên được nhiều kinh nghiệm, cách làm, từ đó cần đánh giá kỹ về tồn tại hạn chế, nêu những cách thức làm hay, điểm sáng để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình hoạt động của HĐND các cấp.

Để thực hiện tốt các nội dung của chuyên đề, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu HĐND các cấp triển khai một cách thực chất, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động với những cách làm mới, sáng tạo theo đặc thù của từng đơn vị, địa phương.

HĐND các cấp cần rà soát, đánh giá lại thực chất hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong hoạt động này, trong đó lựa chọn nội dung “trúng, đúng”, tạo chuyển biến sau giám sát, chất vấn, giải trình. Ngoài ra, phải có kế hoạch cả nhiệm kỳ và hằng năm, kết hợp với giám sát đột xuất những vấn đề lớn, có ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, được cử tri, nhân dân quan tâm, phù hợp với thực tiễn, linh hoạt và đạt hiệu quả.

Đặc biệt, HĐND các cấp cần chú trọng hiệu quả sau giám sát, chất vấn, giải trình; yêu cầu thực hiện nghiêm túc kết luận của chủ tọa sau chất vấn, giải trình. Trên tinh thần đi đến tận cùng vấn đề, tiếp tục tái chất vấn nếu các đơn vị có trách nhiệm thực hiện kết luận chưa thực sự nghiêm túc, trách nhiệm. Các kết luận chất vấn, giám sát, giải trình phải chuyển tới các cơ quan nội chính, thanh tra để cùng theo dõi, nắm bắt. HĐND các cấp thành phố cùng vào cuộc theo dõi, thông tin tuyên truyền mạnh mẽ để cử tri và nhân dân cùng theo dõi, giám sát.

Tuyết Mai (TTXVN)
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Ngày 22/7/2022, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ tám, khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thành ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN