Nhận diện lễ hội để quản lý

Cảnh hàng trăm người lao vào ẩu đả, tranh cướp ấn, hoa tre ở hội Gióng; cảnh hỗn loạn trong lễ hội cướp phết cầu may ở xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) mùng 7 tháng Giêng vừa qua... đã làm dấy lên sự bức xúc về tình trạng mất an ninh trật tự dù mùa lễ hội 2015 mới chớm bắt đầu.

Sự vô ý thức của một số người tham gia lễ hội; sự tùy tiện, lơ là trong công tác tổ chức..., đang làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.

Hội Gióng 2015 (Sóc Sơn, Hà Nội) để lại nhiều tai tiếng. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN


Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do nhân dân sáng tạo ra. Có rất nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa, nêu cao truyền thống dân tộc, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

Như lễ hội xuống đồng ở một số tỉnh phía Bắc, các vị lãnh đạo địa phương cùng đi cày, đi cấy với người dân. Lễ hội cầu ngư ở các tỉnh duyên hải miền Trung, ngư dân ra biển trong không khí háo hức, cầu mong có được vụ cá bội thu... Đi lễ hội là tập tục đẹp, mang đậm nét tâm linh.

Với nhiều người, đi hội là để được chơi hội, để được hòa mình vào cộng đồng, để trút bỏ những phiền muộn của năm cũ, để cầu những điều tốt đẹp, an lành trong năm mới. Bởi thế, những ngôi chùa, di tích lịch sử văn hóa, những địa danh mang tính linh thiêng đã trở thành những điểm đến đầu năm của hàng vạn du khách.

Tuy nhiên, có nhiều lễ hội nổi tiếng đang bị thương mại hóa, gây phản cảm; những hiện tượng tiêu cực, làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội như tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan...

Không những thế, việc tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương chỉ thiên về thu lợi, chứ không quan tâm đến yếu tố văn hóa truyền thống. Hàng loạt những vấn đề nổi cộm của lễ hội tồn tại nhiều năm qua như việc bắt chẹt du khách, bao thầu lễ hội, tổ chức các trò chơi không lành mạnh, lãng phí khi đốt vàng mã..., và nhiều lễ hội quá nhấn mạnh các yếu tố mê tín dị đoan thay vì phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của lịch sử.

Một số di tích đặt quá nhiều hòm công đức, nhiều nơi không công khai trong việc thu chi; nạn khấn thuê, xem bói vẫn lộng hành... Khi mà lễ hội ngày một biến tướng và khách hành hương phải chịu biết bao phiền toái khi họ trở thành mục tiêu chặt chém, sách nhiễu của những kẻ lợi dụng di tích, lợi dụng lễ hội để kinh doanh, kiểu “mài dao cả năm để chém một giờ”.

Một số địa phương cố gắng tổ chức thật lớn, để tranh thủ kinh phí Nhà nước và nhà tài trợ, nhưng hiệu quả của lễ hội mang lại rất hạn chế, gây lãng phí lớn. Nhiều lễ hội thu được hàng chục tỉ đồng tiền công đức, nhưng hầu như nguồn thu chi này không kiểm soát được...

Từ nhiều năm nay, ngành văn hóa cùng các cấp chính quyền nơi có lễ hội đã thực hiện nhiều giải pháp với hy vọng đưa công tác quản lý lễ hội đi vào quỹ đạo, như điều chỉnh phân cấp quản lý lễ hội; giảm quy mô, tần suất tổ chức; không sử dụng ngân sách Nhà nước để tổ chức các lễ hội ngành nghề, lễ hội mang tính sự kiện; bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, lư hương, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã...

Dẫu vậy, những kết quả mang lại không như mong đợi. Dù ngành văn hóa đã sát sao hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội vẫn chưa được đẩy lùi.

Trước thực trạng các lễ hội bị trần tục hóa, đã đặt ra vấn đề cần tiến hành kiểm kê, tiến tới việc phân cấp, như lễ hội nào là cấp nhà nước, lễ hội nào của tỉnh và lễ hội nào của làng, xã. Theo một chuyên gia di sản, bất cập lớn trong việc quản lý lễ hội hiện nay, đó là chưa có cơ sở dữ liệu khoa học và quan điểm tiếp cận đúng.

Chúng ta mới chỉ biết rằng có từng ấy lễ hội, nhưng giá trị của các lễ hội đó đến đâu thì hiểu không thấu đáo. Các lễ hội đã mai một, đã mất chủ thể, không gian lễ hội bị thu hẹp..., thì có cần thiết phục dựng hay không? Nếu phục dựng thì có xuất phát từ ý nguyện của người dân hay không?

Để lễ hội đi vào nề nếp, thực sự là nơi gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, đã đến lúc cần phải nhận diện rõ thế nào là lễ hội truyền thống, thế nào là lễ hội hiện đại. Bởi nếu không nhận diện rõ lễ hội mà chúng ta đang có, phân cấp rõ ràng, thì việc quản lý vẫn mãi đi vào ngõ cụt.

Không thể ứng xử với văn hóa, trong đó có lễ hội, bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, song nếu thiếu mô hình quản lý lễ hội phù hợp thì bức tranh lễ hội khó có thể sáng sủa.


Yến Nhi
Kinh hoàng cảnh tắc nghẽn ở chợ Viềng
Kinh hoàng cảnh tắc nghẽn ở chợ Viềng

Đoạn đường từ chợ Viềng chạy ra hướng đường 10 (ra thị trấn Gôi), tình trạng tắc nghẽn đến nghẹt thở diễn ra từ khoảng 21 giờ đêm, xe máy, người đi bộ chen chúc. Nhiều người men sát với bờ ruộng để đi, không ít người đã bị trượt ngã, bùn đất dính đầy người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN