Đội giá bản quyền truyền hình World Cup

Chưa đầy ba tháng trước ngày khai mạc World Cup 2014 diễn ra tại Brazil, các đài truyền hình của Việt Nam vẫn chưa thể chốt việc mua bản quyền truyền hình của giải đấu lớn nhất hành tinh do mức giá của nhà cung cấp MP&Silva (Italia) đưa ra quá cao: 10 triệu USD (tương đương hơn 200 tỷ đồng). 


Thời điểm này, tập đoàn MP&Silva vẫn đang tiếp xúc với từng nhà đài của Việt Nam như VTV, VTC, VCTV, K+, SCTV... để ngã giá. Mọi sự tập trung giờ đang hướng về người “anh cả” VTV (Đài Truyền hình Việt Nam). Bởi VTV được đánh giá là đủ tiềm lực và có kinh nghiệm khai thác bản quyền truyền hình nhiều kỳ World Cup trước đây.


Câu hỏi được đặt ra, tại sao giá bản quyền các giải đấu quốc tế tại Việt Nam lại luôn đắt đỏ đến như vậy? Một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền truyền hình cho biết, nhà thầu MP&Silva vốn từng bán bản quyền Giải ngoại hạng Anh các mùa 2009-2012 tại thị trường Việt Nam nên đã “bắt thóp” các nhà đài. Ban đầu, đài nào cũng từ chối vì chê quá đắt, nhưng thực tế, bản quyền vẫn được bán đúng giá và các trận đấu quốc tế vẫn xuất hiện dày đặc trên các kênh truyền hình trả tiền của Việt Nam. Tư duy “độc quyền” khiến một số đài truyền hình ở Việt Nam ở trạng thái ngạt thở, khi các đối tác lọc lõi ở nước ngoài đã đánh đúng vào điểm yếu này để gây sức ép với các đài truyền hình của Việt Nam.


Người hâm mộ trái bóng tròn cũng như các đơn vị truyền hình trong nước vẫn đang hy vọng và chờ quyết định cuối cùng của VTV khi mà sức nóng World Cup 2014 đang tới rất gần. Nhưng cái khó là lãnh đạo VTV từ chối mức giá mà MP&Silva chào, bởi rất khó tìm nhà tài trợ, quảng cáo, khi World Cup diễn ra vào thời điểm nửa đêm đến rạng sáng. Sau cuộc đàm phán lần đầu với đối tác bất thành, VTV cho biết sẽ không mua bản quyền truyền hình này bằng mọi giá và sẽ tiếp tục thương thảo. Nhưng nếu đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2014 không chấp nhận, VTV sẽ “buông” để nhường cho các đài khác.


Trước động thái của VTV, những người hâm mộ trái bóng tròn Việt Nam đã tỏ ra thất vọng và không khỏi lo ngại rằng, nếu VTV bỏ cuộc thì đối tác nước ngoài (Tập đoàn MP&Silva) sẽ có cớ để mang chào bán bản quyền World Cup 2014 cho một đơn vị truyền hình trả tiền nào đó. Như vậy, khán giả Việt Nam có thể sẽ phải mất tiền để xem World Cup, điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam.


Thông lệ từ các kỳ World Cup trước, VTV đứng ra mua bản quyền truyền hình và chia sẻ cho các đài khác. Theo quan điểm của nhiều người, World Cup không phải giải đấu để kiếm tiền như Euro hoặc Giải ngoại hạng Anh, mà là sự kiện quần chúng, càng đến với đông đảo người dân trên thế giới càng tốt. Có lẽ xuất phát từ quan điểm này mà FIFA đã khuyến cáo, 22 trong tổng số 64 trận đấu của World Cup nên phát trên hệ thống truyền hình quảng bá. Do vậy, đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình không nên thực dụng, coi trọng giá trị thương mại, mà hãy vì quyền lợi của người hâm mộ.


Sự ra đời của truyền hình trả tiền là một xu thế tất yếu của xã hội và việc mua bán bản quyền của những giải bóng đá lớn nhất thế giới để phục vụ đông đảo người hâm mộ Việt Nam cũng là một xu thế không nằm ngoài quy luật. Tuy nhiên, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam dù phát triển mạnh, nhưng lại không thống nhất. Hiệp hội bản quyền truyền hình trả tiền lại không có quyền lực bằng hệ thống đài của VTV vốn chiếm đến 80% thị trường truyền hình Việt Nam. Thế nên vai trò của Hiệp hội bản quyền truyền hình trả tiền đối với vấn đề bản quyền các giải bóng đá lớn hết sức mờ nhạt.


Có thể nói rằng, bản quyền truyền hình World Cup 2014 bị đội giá lên mức quá cao tại Việt Nam là hệ lụy của việc mạnh ai nấy chạy, không có sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN