Chọn mặt gửi vàng

Như báo Tin Tức đã đưa tin, ngày 29/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống nước sông Đà (giai đoạn 1) của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

 

Là công trình đoạt giải vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010, nhưng chỉ 6 năm đi vào sử dụng, đường ống nước sông Đà (với vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng) đã 9 lần bị vỡ, không chỉ 70.000 hộ dân Hà Nội sống khốn khổ vì thiếu nước, mà còn ngốn khoản tiền không nhỏ để khắc phục sự cố.


Điều khiến dư luận hết sức bất ngờ, mặc dù cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án, nhưng UBND thành phố Hà Nội vẫn giữ quan điểm: Tiếp tục giao cho Vinaconex thực hiện giai đoạn II của dự án này. Theo lý giải của UBND thành phố Hà Nội, hiện tại, Vinaconex là đơn vị duy nhất có kinh nghiệm về xây dựng đường ống cung cấp nước sạch. Đơn vị này cũng đã nhận trách nhiệm, cam kết xây dựng tuyến đường ống thứ 2 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Rút kinh nghiệm giai đoạn 1 của dự án, trong quá trình thi công giai đoạn 2 của dự án, thành phố sẽ tăng cường giám sát; trong đó đặc biệt xem trọng chất lượng vật liệu sử dụng để bảo đảm sự ổn định khi truyền dẫn với nguồn nước áp lực cao, tránh những sự cố vỡ đường ống nước như thời gian vừa qua.


Đầu tư cho các dự án cấp nước đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa nguồn vốn cho các dự án cấp thoát nước được xem như một lựa chọn tối ưu. Bởi vậy, dự án nước sông Đà lựa chọn nhà đầu tư theo hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa, thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không vì thế mà giao toàn quyền cho chủ đầu tư “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trường hợp của Vinaconex thời gian qua, khiến chất lượng công trình không bảo đảm. Đặc biệt, với các công trình có mức độ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, thì cần tính toán kỹ về năng lực của cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu theo kiểu “chọn mặt gửi vàng”. Cho dù dự án sử dụng nguồn vốn nào đi chăng nữa, thì cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Luật Xây dựng...


Theo quan điểm của một số chuyên gia xây dựng, một gói thầu có giá trị lớn như dự án tuyến đường ống dẫn nước sông Đà hoàn toàn có thể mở thầu quốc tế vì có nhiều công ty quốc tế có kinh nghiệm, trình độ quản lý cũng như có sẵn vốn, họ hoàn toàn có thể làm tốt dự án này. Ngay cả trong nước, rất nhiều đơn vị có thể làm được công trình này, chứ không riêng gì Vinaconex. Thực tế là ở TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị đã làm công trình dẫn nước rất lớn và có chất lượng tốt cho TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Do vậy, nếu không giải thích cụ thể và có sức thuyết phục, thì người dân có quyền nghi vấn về lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong dự án này.


Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao cứ phải chọn Vinaconex mà không phải là các nhà thầu khác? Tại sao không thực hiện đấu thầu công khai dự án?


Cũng cần phải nhắc lại kết luận của Bộ Xây dựng: Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. Với kết luận như vậy thì khoản kinh phí Vinaconex chi cho việc sửa chữa sự cố đường ống nước sẽ được hạch toán như thế nào? Liệu giá nước trong thời gian qua có phải gánh cả những chi phí của các đợt sửa chữa đường ống và khoản tiền này có nằm trong con số chủ đầu tư dự án báo lỗ để được hưởng bù giá từ ngân sách nhà nước hay không?


Đây vẫn là những câu hỏi mà người dân chờ được giải đáp.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN