Bước chân thần tốc

Những ngày qua, hình ảnh màu áo lính xuất quân chi viện với số lượng lớn cho miền Nam chống dịch COVID-19 khiến mọi trái tim người dân cả nước đều rưng rưng xúc động, tự hào, xen lẫn niềm tin mãnh liệt vào “đòn quyết định” sẽ dập tắt sự bùng phát của đại dịch, đem lại sự bình yên cho nhân dân.

Có thể nói, diễn biến dịch COVID-19 tại các địa phương phía Nam, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước, vẫn đang hết sức phức tạp. Cho dù các địa phương đều đã và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí nhiều nơi áp dụng mức “16+”, nhưng số lượng ca mắc mới vẫn ở mức cao. Trong 3 ngày gần đây, số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên cả nước đều ở mức 5 con số, với các điểm nóng chủ yếu vẫn ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh lân cận là Đồng Nai, Long An, Tiền Giang... Đau lòng hơn là số ca tử vong hằng ngày tiếp tục ở mức cao, khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương, mất mát không gì bù đắp nổi.

Trước những tác động nghiêm trọng mà đợt dịch thứ 4 gây ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những ngày qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã dồn nhân lực, vật lực cùng với biết bao tình cảm được gửi gắm để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương phía Nam chống dịch. Mỗi cấp, mỗi ngành, cho đến mỗi nhà, ai ai cũng chia sẻ với miền Nam ruột thịt theo những cách khác nhau. Những chuyến hàng chở thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm từ khắp mọi miền vẫn nối đuôi nhau vào Nam. Những liều vaccine đang được ưu tiên cho các địa phương miền Nam. Số lượng nhân viên y tế lên đường chi viện cho miền Nam tính đến thời điểm này cũng đã vượt 14.500 người…

Chú thích ảnh
Các bác sĩ, học viên quân y (Học viện Quân y) làm thủ tục đi TP Hồ Chí Minh, tại sân bay Nội Bài, ngày 21/8/2021. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Không nằm ngoài “cuộc chiến” tổng lực này, ngày 21/8, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, với 295 bác sỹ, cán bộ, học viên. Theo kế hoạch, từ ngày 21 - 23/8, dự kiến có 1.000 cán bộ, nhân viên quân y cùng trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không. Lực lượng tăng cường này sẽ có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

“Trong tình hình miền Nam đang dịch bệnh căng thẳng, là một quân nhân, tôi thấy mình vinh dự khi đứng trong đội ngũ quân y tham gia cùng với ngành y tế đẩy lùi COVID-19”, ai trong số họ cũng có chung suy nghĩ lúc lên đường như Thượng tá Lê Thị Nga (Viện Y học cổ truyền Quân đội). Không chỉ khắc ghi lời thề Hippocrates thiêng liêng của ngành y, mà ở họ còn có trách nhiệm cao cả và lòng tự hào của người lính Cụ Hồ nữa. Tạm gác lại bao bộn bề gia đình, con nhỏ…, tất cả đều đồng lòng đem hết tâm sức góp phần đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống của nhân dân trở về trạng thái bình thường mới.

Tương tự như vậy, Bộ Công an cũng vừa điều động tăng cường 37 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông từ Hà Nội vào làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh tại các cửa ngõ TP Hồ Chí Minh. Tất cả họ đều xác định tinh thần tiên phong trên tuyến đầu chống dịch, quyết tâm tô thắm truyền thống của ngành “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, khắc phục mọi khó khăn để hỗ trợ bảo vệ các “pháo đài” chống dịch tại một địa bàn hết sức phức tạp như TP Hồ Chí Minh, và để sớm trở về trong chiến thắng.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Cục CSGT xuất quân, tăng cường chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ngày 21/8/2021. Ảnh: Cục CSGT cung cấp

Những chuyến bay như vậy xuất phát từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất những ngày này gợi nhớ hình ảnh từng đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm nào, gợi nhớ những bước chân thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nối liền một dải non sông. Bất chấp mọi khó khăn và những rủi ro cao cho bản thân mỗi người tại vùng dịch, họ lên đường với lòng quyết tâm và niềm kiêu hãnh của người lính Cụ Hồ, của người chiến sĩ Công an nhân dân, sẵn sàng đi theo mệnh lệnh của trái tim khi Tổ quốc cần. Cho dù ở thời chiến hay thời bình, các lực lượng này vẫn luôn sẵn sàng có mặt ở những điểm nóng nhất, thầm lặng cống hiến vì đất nước, vì nhân dân.

Quả thực, không phải chỉ thời điểm này, mà ngay từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, lực lượng quân đội, công an vẫn đang sát cánh cùng với các lực lượng tuyến đầu khác nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, bảo vệ cuộc sống của người dân. Câu chuyện về những người lính ra cắm trại ở rừng để nhường chỗ cho người dân cách ly y tế, chuyện về những người lính biên phòng ngày đêm bám chốt để ngăn ngừa nhập cảnh trái phép, chuyện về những người lính giúp dân thu hoạch nông sản mùa dịch, chuyện về những chiến sĩ công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ phòng, chống dịch… đều đã là những hành động đẹp thay cho mọi lời nói. Hay nữa là những đóng góp, hy sinh của người lính trong những đợt thiên tai, bão lũ để bảo vệ tính mạng của nhân dân, tất cả đều vô cùng ý nghĩa và rất đáng tự hào.

Việc huy động lực lượng quân đội, công an chi viện cho miền Nam vào thời điểm này cũng cho thấy quyết tâm dồn tổng lực chống dịch của Chính phủ. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng tinh nhuệ này bên cạnh lực lượng ngành y cũng đang được tăng cường rất hùng hậu, tạo nên niềm tin về một chiến thắng cuối cùng, sẽ chấm dứt sự hoành hành của biến thể Delta trong đợt dịch thứ 4 hết sức nghiêm trọng ở nước ta. Ngoài chuyên môn thì ý thức kỷ luật, tinh thần sắt đá trong mọi tình huống khó khăn và trái tim cháy bỏng tình yêu thương nhân dân của người lính chắc chắn tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, để mục tiêu kiểm soát dịch bệnh của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam sớm đi đến thắng lợi.

Chú thích ảnh
Trung Sơn
293 quân nhân Học viện Quân y đã đến TP Hồ Chí Minh để cùng tham gia chống dịch
293 quân nhân Học viện Quân y đã đến TP Hồ Chí Minh để cùng tham gia chống dịch

Chiều 21/8, 293 bác sĩ, các bộ và học viên Học viện Quân y đã vào đến sân bay Tân Sơn Nhất để hỗ trợ cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch. Các quân nhân này chia làm 60 tổ sẽ đến nhà thăm khám, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN