Xu hướng ngành nghề trong những năm tới

Nhân lực của ngành nào sẽ “đắt hàng” trong những năm tới? Kết quả nghiên cứu của Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sẽ giúp cho thí sinh lựa chọn đúng ngành nghề khi đăng ký dự thi ĐH.

Tài chính - ngân hàng đứng đầu nhóm ngành sẽ tăng nhu cầu

Theo nghiên cứu mới nhất do Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm tới, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ giảm, trong khi nhu cầu xã hội với các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, được đầu tư công nghệ và tài chính sẽ nhiều lên.

Đến năm 2015, những ngành nghề như tài chính, ngân hàng... sẽ tăng nhu cầu việc làm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Cơ cấu của thị trường lao động Việt Nam đã và đang chuyển đổi: Từ những việc làm trong ngành nông nghiệp có năng suất lao động thấp, đòi hỏi nhiều lao động sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, được đầu tư công nghệ và tài chính nhiều hơn. Người lao động có trình độ và kỹ năng cao hơn sẽ là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi này.


Theo nghiên cứu này, đến năm 2015 có những nghề sau sẽ tăng nhu cầu việc làm gồm: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác. Ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…

Tuy nhiên, đến năm 2020, nhu cầu của chính ngành này sẽ giảm. Bên cạnh đó, có nhiều ngành hiện đang có tỷ lệ việc làm rất cao nhưng tới năm 2015 sẽ có xu hướng giảm. Cụ thể: Khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí.

Nhân lực ngành truyền thống

Một vài năm trở lại đây những ngành truyền thống khó tuyển mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những khuyến khích trong quá trình đào tạo. Ông Từ Quang Hiển, Giám đốc ĐH Thái Nguyên bày tỏ: “Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ cũng nên có những chính sách cụ thể đối với những nhóm ngành khó tuyển. Có thể Bộ nên bổ sung với những nhóm ngành khó tuyển theo quy chế 33 (về việc hạ điểm sàn đối với trường có khó khăn trong tuyển sinh). Điều này sẽ giúp các trường cân bằng được chỉ tiêu”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga, do nhu cầu nhân lực mà những ngành như nông - lâm - ngư nghiệp dù khó tuyển nhưng vẫn phải duy trì. Hiện nay cả nước mới có 13 trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp. Nhưng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng nhân lực sau khi ra trường hằng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh. Cụ thể với lao động nông nghiệp, có đến gần 21 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn.

Các ngành dịch vụ

Theo dự báo của các chuyên gia tuyển sinh thì hiện nay các ngành dịch vụ đang lên ngôi. Thực tế, các trường ĐH, CĐ chưa đào tạo nhân lực liên quan đến các ngành dịch vụ như thẩm mỹ mà chủ yếu là tại các lớp học nghề ngắn hạn. Như vậy, chất lượng nhân lực của ngành này còn yếu và rất thiếu. Một ngành dịch vụ nữa hiện nay đang thiếu nhân lực là ngành du lịch. Theo dự báo đến năm 2015, sẽ cần đến 505.000 người trong ngành này và 870.000 lao động trực tiếp đến năm 2020, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên các tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản...

Vân-Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN