Trường chất lượng cao có 'tiền nào của nấy'?

Một trong những Nghị quyết của HĐND Hà Nội nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô là việc triển khai mô hình trường chất lượng cao (CLC) từ năm học 2013-2014. Liệu trường CLC có đáp ứng được mong mỏi của các phụ huynh về việc "tiền nào của nấy" không, đang là vấn đề được dư luận quan tâm.


Thí điểm hiệu quả


Theo Nghị quyết vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC áp dụng tối đa trong năm học 2013-2014 đối với trường mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng/tháng; trường THCS và THPT là 3 triệu đồng/tháng. Đến năm học 2014-2015, các mức học phí tương ứng là 3,2 triệu và 3,4 triệu đồng/tháng.


Trường THPT Lê Lợi sẽ được đầu tư để đạt chuẩn chất lượng cao vào năm 2015.

 

Mức học phí này khiến nhiều phụ huynh có con đang theo học tại các trường CLC lo lắng, bởi so với mức thu trung bình ở các trường hiện nay (500.000 đến 700.000 đồng/tháng/học sinh), thì mức thu trần này cao gấp gần 6 lần. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là “sản phẩm" của mô hình trường CLC có xứng với "đồng tiền bát gạo" mà họ bỏ ra hay không.


Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Thành phố chỉ phát triển mô hình trường CLC ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho học sinh thuộc các đối tượng phổ cập giáo dục. Qua thí điểm 18 trường CLC vừa qua cho thấy: Nội dung và phương pháp giáo dục có nhiều đổi mới, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ học sinh giỏi, thi đỗ tốt nghiệp và đỗ đại học đạt tỷ lệ cao. Cơ sở vật chất của các trường CLC cũng được cải thiện, do có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cũng theo đại diện lãnh đạo này, cơ cấu chi từ nguồn thu CLC như sau: Chi cho bộ máy chiếm từ 75-85%, chi khác chiếm từ 15-25%. Thu nhập tăng thêm cho cán bộ và giảng viên tăng từ 0,8-2 lần.


Đáp ứng nhu cầu người dân


Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết: “Học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC được thu trên nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm tương xứng với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy. Các trường CLC tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động; bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch, bảo đảm tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí”.


Hiện nay thành phố đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập CLC. Đến năm 2015, thành phố sẽ có khoảng 35 trường công lập CLC.

Lãnh đạo thành phố khẳng định, mô hình trường CLC nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân. Thực tế trên địa bàn Hà Nội, vài năm gần đây xuất hiện các trường quốc tế, trường tư thục với mô hình giáo dục tiên tiến, dù học phí rất cao, nhưng cũng đang thu hút đông người theo học. Chính vì vậy, tại kỳ họp HĐND Hà Nội vừa qua, các đại biểu nhất trí cho rằng, mô hình đào tạo trường CLC là rất cần thiết, nhưng do không có chính sách tài chính cụ thể đi kèm nên hoạt động rất khó khăn, kìm hãm sự phát triển của mô hình này.


“Khái niệm trường CLC chưa có trong Luật Giáo dục và Hà Nội là địa phương đầu tiên xây dựng mô hình trường CLC theo Luật Thủ đô. Tiêu chí trường chất lượng cao khác trường đạt chuẩn về phương pháp giảng dạy và dịch vụ… Do Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình trường nên tiêu chí về chất lượng đào tạo và học phí của trường công lập CLC đều phải được thành phố thẩm định hằng năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mời Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia thẩm định, đánh giá chất lượng các trường CLC để bảo đảm khách quan. Chỉ khi có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, dịch vụ hoàn chỉnh thì trường CLC mới được cấp phép hoạt động", Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.


Cũng theo Phó Chủ tịch, dù là trường CLC, nhưng trước tiên trường vẫn phải tuân thủ quy định về hoạt động của trường công lập. Ngoài ra, trường được thực hiện một số dịch vụ, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua thiết kế môn học, tăng cường các kỹ năng mềm cho học sinh...

 

Liên quan tới vấn đề học phí, với các trường phải chuyển tiếp từ CLC từng phần lên CLC toàn phần, Hà Nội sẽ hỗ trợ học sinh đến hết năm 2015 để học sinh có thêm thời gian chuẩn bị, lựa chọn. Đồng thời, học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC được thu trên nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm tương xứng với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy. Các trường CLC tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; chịu sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh và xã hội; bảo đảm tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí…

 

Bà Trần Thị Vân Hoa, Đại biểu HĐND Hà Nội: “Có cơ chế kiểm tra giám sát”

Học trường CLC sẽ có nhiều khoản dịch vụ. Hàng năm, các trường sẽ công bố mức thu học phí của cơ sở giáo dục công lập clc, các khoản thu dịch vụ, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục, chất lượng dịch vụ giáo dục. Do đó cần có cơ chế kiểm tra giám sát để học sinh được hưởng dịch vụ với giá tương ứng. Đồng thời cần có quy định cụ thể dịch vụ clc.

 

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông): “Quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên”

 

Dự án cải tạo, đầu tư nâng cấp trường THPT Lê Lợi trở thành trường đào tạo đa cấp hiện đại, có yếu tố nước ngoài, sẽ được thành phố Hà Nội triển khai trong 3 năm tới. Đặc biệt, trọng tâm đầu tư trong giai đoạn này của nhà trường là chất lượng đầu vào của giáo viên các bộ môn. Giáo viên là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Chính vì vậy giáo viên dạy tại trường hầu hết là tiến sĩ, thạc sĩ, thủ khoa, tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học danh tiếng, chuyên ngành giáo dục trong và ngoài nước.

 

Chị Nguyễn Thị Mai (Nghĩa Tân, Cầu Giấy): "Vẫn cho con học nếu chất lượng tốt"

 

Trường THCS Cầu Giấy được xếp là một trong 18 trường thí điểm CLC. Tôi rất muốn cho con theo học tại trường này. Với cấp tiểu học và THCS, điều kiện học tập là rất quan trọng. Qua tìm hiểu hạ tầng và giáo viên của trường, tôi thấy rất ổn, nên dù học phí khá cao, tôi vẫn quyết tâm cho con học.

 

Bà Nguyễn Thu Hiền (Vạn Phúc, Hà Đông): "Tôi mong đợi trường CLC"

 

Năm nay, con tôi vào học trường THPT Lê Lợi, trong quy hoạch, đây là trường hướng tới mô hình trường CLC. Vấn đề tôi quan tâm là học đi đôi với thực hành. Ngay từ khi mới vào trường, học sinh đã được đăng ký nguyện vọng môn học sở trường để xếp lớp, định hướng sở thích và nghề nghiệp. Cùng với bộ môn học theo quy định chung, chúng tôi muốn con được học các kỹ năng mềm, ngoại khóa có tổ chức… để có thể đi du học. Chính vì vậy, mô hình trường CLC là điều tôi mong đợi.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN