Rèn luyện ngoại ngữ thông qua phương pháp ‘săn Tây’, tốt hay xấu?

Với cộng đồng người học tiếng Anh nói riêng, học ngoại ngữ nói chung ở Việt Nam, “săn Tây” là một trong những phương pháp rèn luyện ngoại ngữ “0 đồng” được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, phương pháp này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Học tập thông qua "thực chiến"

“Săn Tây” có thể hiểu đơn giản là một hoặc một nhóm người học ngoại ngữ đến những nơi công cộng để bắt chuyện với người nước ngoài, qua đó trau dồi các kỹ năng ngoại ngữ.

Chú thích ảnh
"Săn Tây" trên phố đi bộ Hồ Gươm.

Tại các địa điểm như phố đi bộ Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, xung quanh Hồ Tây, hình ảnh học sinh, sinh viên chủ động làm quen, trò chuyện với khách du lịch nước ngoài... rất phổ biến. Các bạn đang thực hành "chiêu thực chiến" để tăng cường kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiếng nước ngoài của mình.

Chú thích ảnh
Nhóm bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành Du lịch hào hứng trò chuyện với người nước ngoài.

Chị Nguyễn Ngân Hà (22 tuổi, cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương) nhớ lại những năm còn là sinh viên, cũng tìm đến du khách nước ngoài để rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Anh.

Chị Ngân Hà chia sẻ: “Cá nhân tôi đánh giá “săn Tây” là một hoạt động khá thú vị và bổ ích. Hoạt động này được nhiều bạn trẻ trong đó có tôi lựa chọn để cải thiện khả năng giao tiếp ngoại ngữ như: Chỉnh sửa phát âm, luyện phản xạ tức thì... . Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ phương pháp rèn luyện ngoại ngữ này. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với người nước ngoài, chúng ta nên hỏi họ có sẵn sàng dành thời gian cho một cuộc trò chuyện nhỏ với mình hay không để tránh làm phiền họ".

Chú thích ảnh
Mỗi buổi “săn Tây” với chị Ngân Hà là một trải nghiệm đáng nhớ trong quãng đời sinh viên.

Trong thời gian là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, Trường Học viện ngoại giao, chị Lê Thị Lan (22 tuổi, Nam Định) thường xuyên phải luyện tập để nâng cao trình độ tiếng Anh. Thấu hiểu tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ thông qua trải nghiệm thực tế, chị Lan chia sẻ: “Việc "săn Tây" cũng là một trải nghiệm khá hay và thú vị cho các bạn trẻ có nhu cầu cải thiện vốn ngoại ngữ. Hoạt động này tạo cho các bạn cơ hội trực tiếp trải nghiệm tiếng Anh trong thực tế, mở rộng vốn tiếng Anh không có trong sách vở. Bên cạnh đó, việc "dám" bắt chuyện với người Tây cũng làm tăng sự tự tin và khả năng giao tiếp của người học ngoại ngữ".

Chị Lê Thu Hoài, hiện đang là du học sinh tại Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ: “Khi bắt chuyện với người nước ngoài, khả năng nghe, nói ngoại ngữ tăng nhanh rõ rệt. Thời gian đầu, tôi cùng những người bạn học tiếng Trung chỉ qua sách vở thấy khá chán nản và không tiếp thu được nhiều, học vài ngày cũng quên từ mới, cấu trúc. Nhưng sau nhiều lần bắt chuyện với người bản xứ, khả năng nói, khả năng phản xạ của tôi nhanh hơn rất nhiều. Tôi vừa vận dụng những câu đã học trong sách, vừa áp dụng thực tế và học những cách nói đúng chuẩn người bản địa”.

Bên cạnh những bạn trẻ thích thú với phương pháp rèn luyện ngoại ngữ thông qua việc “săn Tây”, cũng có những người trẻ "từ chối" phương pháp “thực chiến” này vì nhiều lý do khác nhau. Chị Trần Thu Phương, cựu sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: “Thực sự tôi không ủng hộ cách luyện ngoại ngữ qua hình thức "săn Tây", nhất là cách bắt chuyện ở các phố đi bộ. Bởi vì khi người nước ngoài đến Việt Nam, họ muốn đi du lịch, muốn tận hưởng không gian, cảnh sắc thiên nhiên, ẩm thực... không phải ai cũng muốn làm quen với những người bạn mới. Nếu muốn bắt chuyện với người nước ngoài trên phố bộ thì cần phải tìm đúng những người muốn nói chuyện người khác. Còn những người muốn tắm nắng, hay muốn yên tĩnh... sự xuất hiện của mình là một cản trở, gây phiền toái cho họ. Cho nên tôi không ủng hộ việc bắt chuyện tại các nơi công cộng, nhưng nếu như "săn Tây" trên các ứng dụng luyện ngoại ngữ thì tôi rất ủng hộ".

Chú thích ảnh
Vốn ngoại ngữ còn hạn chế là trở ngại lớn đối với người học.

Chị Trịnh Thu Hương, sinh viên năm cuối khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế cũng lo ngại việc bắt chuyện với người nước ngoài tại các địa điểm du lịch, nơi công cộng sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách: “Tôi nghĩ không nên “săn Tây” để học ngoại ngữ. Nếu những bạn trẻ muốn học giao tiếp tốt, họ nên đầu tư tiền đi học trung tâm hoặc thỏa thuận với một người nước ngoài. Nếu đặt mình vào vị trí người nước ngoài đi du lịch, đang tận hưởng thiên nhiên, ẩm thực,... đột nhiên có một nhóm người lạ đến bắt chuyện, hỏi quá nhiều vấn đề, tôi cảm thấy bị làm phiền, không thoải mái. Thậm chí nhiều bạn trẻ vô tình đặt câu hỏi “thiếu tinh tế”, đi sâu vào những câu chuyện cá nhân của người đối diện. Như vậy sẽ làm mất ấn tượng tốt đẹp của du khách về đất nước và con người của chúng ta”.

Chú thích ảnh
"Bắt chuyện"  với những người nước ngoài.

Theo đuổi tiếng Anh nhiều năm, cô Bùi Minh Anh, giáo viên một Trường liên cấp tại Hà Nội bày tỏ quan điểm về phương pháp học ngoại ngữ này: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, tôi không khuyến khích việc “săn Tây” luyện ngoại ngữ, vì không phải "người Tây" nào trên phố đi bộ cũng là người bản xứ đến từ đất nước nói tiếng Anh, chưa chắc tiếng Anh của họ đã chuẩn để người mới bắt đầu học tiếng Anh có thể luyện nghe, luyện nói. Với học sinh, sinh viên bắt đầu học tiếng Anh căn bản thì việc được tiếp xúc với nguồn tài liệu "chuẩn" là rất quan trọng, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói. Học sinh cần được tiếp xúc với thông tin ở dạng âm thanh chuẩn theo phát âm của người bản xứ ở các nước nói tiếng Anh”.

Thay vì khuyến khích các học sinh của mình "săn Tây" rèn luyện ngoại ngữ, cô Bùi Minh Anh áp dụng các phương pháp khác để giúp học sinh nâng cao khả năng giao tiếp. Cô Minh Anh chia sẻ: "Với kỹ năng nói và nghe, thời gian trên lớp, tôi dạy học sinh kỹ năng làm bài và sẽ có những hoạt động bổ trợ, các hoạt động để học sinh thực hành nghe và nói. Sau buổi học, tôi thường giao cho học sinh các dạng bài tập như ghi âm đọc bài, ghi âm thuyết trình để đánh giá được tiến bộ của học sinh, sửa phát âm và câu từ cho các bạn. Tôi cũng khuyến khích học sinh chọn các chương trình tiếng Anh phù hợp với trình độ và lứa tuổi để luyện nghe, luyện nói theo người bản xứ".

Mỗi người có những thái độ, quan điểm khác nhau về phương pháp “săn Tây” rèn luyện ngoại ngữ. Song, thay vì tranh cãi, đưa ra những ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này, điều quan trọng là mỗi người học tiếng Anh cần cân nhắc, lựa chọn một phương pháp phù hợp với bản thân và không gây phiền toái cho người khác, nhất là các du khách.

Tránh "sự cố"

Một trong những trở ngại của phương pháp học ngoại ngữ "săn Tây" là vốn ngoại ngữ của người học còn khá hạn chế. Vì vậy trong quá trình trò chuyện với người nước ngoài, các bạn trẻ dễ mắc những lỗi sai trong cách ứng xử, giao tiếp với người lạ. Tình huống “kinh điển” được các bạn trẻ chỉ ra đó là sự phấn khích khi nhìn thấy những người nước ngoài. Một số bạn vô tình “nhìn chằm chằm”, liên tục dùng hành động “chỉ trỏ”, “cười đùa” khi nói về những người nước ngoài...

Mặt khác, nhiều cuộc trò chuyện “rơi vào tình huống khó xử”, cả người hỏi và người được hỏi chỉ có thể nhìn nhau, “cười trừ” và kết thúc cuộc trò chuyện. Mặc dù, người học ngoại ngữ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các câu hỏi, nhưng khi “thực chiến”, do phát âm và khả năng nghe còn hạn chế nên cả người học ngoại ngữ và người nước ngoài không hiểu rõ, hoặc hiểu sai ý nghĩa câu chuyện đối phương muốn truyền tải. Trong khi, người nước ngoài liên tục yêu cầu nhắc lại câu hỏi và làm rõ một số vấn đề thì người luyện ngoại ngữ rơi vào trạng thái bị động, chưa nắm bắt được câu chuyện. Đặc biệt, một số ngôn ngữ như tiếng Anh, người nói chỉ cần phát âm “sai một li” sẽ khiến người nghe liên tưởng sang những từ, cụm từ với nghĩa hoàn toàn khác, thậm chí mang nghĩa nhạy cảm.

Tuy nhiên, không có một phương pháp ngoại ngữ nào là hoàn hảo. Mỗi phương pháp đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Với những người muốn theo đuổi phương pháp rèn luyện ngoại ngữ  này, giảng viên tiếng Anh với 14 năm công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra những lời khuyên để người học có thể đạt được hiệu quả tốt nhất, đồng thời tránh “những sự cố, những tình huống khó xử” xảy ra.

Cô nhấn mạnh, khi bắt chuyện với người ngoại quốc cần chú ý đến những quy tắc ứng xử, giao tiếp khi lần đầu tiếp xúc, làm quen với một người lạ. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu giao tiếp, rèn luyện khả năng nghe, nói của bản thân, chúng ta hãy quan tâm nhiều đến mục đích giao lưu và tạo không khí cởi mở, thân thiện. Một trong những câu hỏi đơn giản, hiệu quả nhất, có thể dùng để bắt chuyện với người nước ngoài là: “Excuse me, can you speak English?” (Xin lỗi, bạn có thể nói tiếng Anh được không?) cùng với đó là tương tác ánh mắt, mỉm cười thân thiện.

Sau đó, người học ngoại ngữ nên giới thiệu nhanh và nói rõ mục đích tốt đẹp của mình ngay từ đầu. Ví dụ như: “Hi, I’m Phuong, from an English Club. Can you help me practice English for one minute?” (Chào bạn, tôi là Phương, tới từ một Câu lạc bộ tiếng Anh. Bạn có thể giúp tôi luyện nói tiếng Anh 1 phút được không?” Nếu nhận được sự cho phép, chúng ta có thể hỏi họ những câu nhỏ như: What’s your name? (Tên của bạn là gì); Where are you from? What do you do? (Bạn từ đâu, bạn làm gì); Why did you choose this place to travel? (Tại sao bạn chọn nơi này để du lịch)...

Cô cho biết, thời gian đầu nên bắt đầu từ những câu hỏi cơ bản, gần gũi để từng bước làm quen với phương pháp này và để chắc chắn rằng chúng ta và người đối diện đều hiểu nội dung cuộc trò chuyện. Khi đã quen với phương pháp này chúng ta có thể nâng tầm câu hỏi về văn hóa, kiến trúc, cảnh quan xung quanh,... .

Chú thích ảnh
Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi cơ bản, "tế nhị".
Chú thích ảnh
Duy trì không khí vui vẻ trong suốt buổi trò chuyện.

“Nếu chưa đủ tự tin, chúng ta có thể rủ một, hai người bạn có cùng mong muốn rèn luyện ngoại ngữ. Chúng ta sẽ cảm thấy tự tin hơn vì có thể hỗ trợ lẫn nhau khi bí ý tưởng. Tuy nhiên nên tránh những câu hỏi mang tính cá nhân, “thiếu tinh tế” như: “Bạn bao nhiêu tuổi?”, “Bạn đã có người yêu/ kết hôn chưa?”, “Gia đình bạn có bao nhiêu người?, “Thu nhập của bạn bao nhiêu một tháng?”,... ”, Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ chia sẻ.

Mỗi phương pháp rèn luyện ngoại ngữ đều có những ưu điểm, hạn chế và phương pháp “săn Tây” không ngoại lệ. Mỗi cá nhân có thể thử trải nghiệm đa dạng phương pháp khác nhau, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu trong các phương pháp học ngoại ngữ, hoặc phối hợp các phương pháp học khác nhau để tìm được cách thức rèn luyện phù hợp, hiệu quả.

Bài, ảnh: Hồng Phượng/ Báo Tin tức
Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi
Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi

Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1477/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN