Những nguy hiểm rình rập tại trường học

Học sinh đông, trường học chật hẹp, sân chơi thiếu, các dụng cụ phục vụ học tập chưa được đảm bảo… là nguyên nhân gây ra những tai nạn thương tích đáng tiếc cho học sinh khi ở trường, đặc biệt là học sinh trong độ tuổi mầm non và tiểu học.


So với các khu vui chơi, trường học luôn được xem là nơi an toàn cho học sinh. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng những vật dụng, trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt, học tập trong nhà trường lại trở thành những mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của học sinh.


Đầu tháng 12, tại trường TH Lê Quý Đôn (Q. Gò Vấp) một học sinh lớp 1 đã tử vong do bị tủ đựng chăn mền của trường đổ, đè lên người. Trước đó một trẻ 6 tuổi, trường Mầm non Sơn Ca  (Q. 9) cũng bị tử vong trong lúc tham quan thư viện xanh tại Trường TH Nguyễn Minh Quang (Q.9). Nguyên nhân do cánh cửa làm bằng vật liệu sắt, thép đắp bê tông rơi ra ngoài, va vào đầu bé. Đó là 2 trong rất nhiều tai nạn dễ xảy ra ở trường học làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của học sinh.


Trường lớp chật hẹp, các dụng cụ học tập chưa đảm bảo... là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong trường học.


Hiệu trưởng một trường tiểu học quận Bình Thạnh chia sẻ, ở trường học, học sinh thường xuyên tiếp xúc với nhiều vật dụng như quạt điện, bàn ghế, tủ để sách, tủ để đồ... Nếu không cẩn thận thì rất dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Để tránh thoát khỏi những nguy hiểm rình rập học sinh, nhà trường cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với môi trường từng cấp học, kiểm tra trước khi đưa vào dùng và trong quá trình dùng phải tu sửa hỏng hóc. Đặc biệt là cách dùng như thế nào cho hiệu quả, an toàn mới là quan trọng.


Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nghị, Chuyên viên Y tế Trường học quận Tân Bình cho biết, không thể không lo ngại các tai nạn đến từ điện, cháy nổ, hóa chất từ phòng thí nghiệm, hồ bơi, thể thao, từ bếp ăn bán trú do yếu tố về nhiệt, gas, ngộ độc thực phẩm... Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ dạy học không phù hợp với trường học, đối tượng học sinh cũng là nguy cơ tiềm ẩn lớn.


Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với lứa tuổi học sinh tiểu học, mầm non các em còn nhỏ, lại hiếu động, chưa ý thức hết được sự nguy hiểm của vật dụng xung quanh vì thế đồ dùng, trang thiết bị cần phù hợp với chiều cao, tầm vóc trẻ để tránh leo trèo, với, ngã. Khi đưa vào sử dụng cần kiên cố, đảm bảo vững chắc và thường xuyên kiểm tra hỏng hóc, tu sửa kịp thời.


“Trường chật hẹp, thiếu sân chơi, học sinh hiếu động, chạy nhảy, nô đùa... rất khó tránh va chạm, té ngã. Đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, việc ý thức về mức độ an toàn còn kém, khả năng phản xạ yêu, không xử lý được các tình huống xảy ra. Những hạn chế trên chính là nỗi lo về công tác an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường” – cô Phạm Thị Phước, Phó trưởng phòng GD-ĐT Tân Bình tâm sự. 


Cô Phước cho biết thêm, Mặc dù quận Tân Bình được sự quan tâm rất lớn của UBND quận, UBND Thành phố bằng việc sửa chữa, xây mới đưa vào sử dụng nhiều trường trong mỗi năm, kinh phí chiếm đến hơn 40% ngân sách của quận/năm nhưng nhiều khó khăn vẫn chưa thể tháo dỡ hết. Hiện tại, quận vẫn còn trường đã xuống cấp, trường có diện tích 500m2, 800m2…Với diện tích chật hẹp, sỹ số đông, cơ sở vật chất xuống cấp như hiện nay là những khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh ở trường học.


Theo thống kê của quận Tân Bình, trong năm qua, toàn quận có 356 ca bị tai nạn, vướng thương tích. Trong đó có 101 ca trong trường học do học sinh chạy nhảy va vào nhau, té ngã, hoạt động thể thao...


Ông Nguyễn Hữu Nghị cho rằng, ngoại trừ những khó khăn về trường lớp, cơ sở vật chất thì giáo viên, lãnh đạo trường cũng cần phải lưu ý, như khi tiếp nhận các trang thiết bị vào nhà trường, nhà trường phải kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, an toàn cũng như giá thành hợp lý. Trang thiết bị có phù hợp với môi trường giáo dục, đối tượng học sinh không. Nhà trường có quyền từ chối tiếp nhận nếu cảm thấy không phù hợp để loại trừ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích.


“Để đảm bảo an toàn trường học, tránh những tai nạn đáng tiếc, bên cạnh công tác chuyên môn, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường cũng cần đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý, giám sát cơ sở vật chất và các em học sinh hơn nữa”- cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD – ĐT quận 5 cho biết.



Đan Phương

Mô hình trường học mới tại Đắk Lắk
Mô hình trường học mới tại Đắk Lắk

Hiện nay, giáo dục tiểu học Đắk Lắk đang đồng loạt thí điểm và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án trong đó thành công nhất là Mô hình trường học mới VNEN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN