Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh - Bài cuối: Đồng bộ giải pháp

Phân luồng học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và xã hội, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”. Do đó, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, rất cần sự triển khai quyết liệt hơn, kết hợp hiệu quả giữa các giải pháp chính sách, điều tiết của Nhà nước, các giải pháp cụ thể, trực tiếp của các cơ sở giáo dục và đơn vị sử dụng nhân lực sau đào tạo.

Chú thích ảnh
Học sinh tham gia tư vấn hướng nghiệp tại trường Trung học sơ sở Xuân Thới Thượng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tăng cường tuyên truyền, vào cuộc đồng bộ

Nhấn mạnh các giải pháp điều tiết, phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở vào các ‘luồng’ phù hợp, trong đó có giáo dục nghề nghiệp, Phó Giáo sư Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về sự cần thiết của việc phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển con người. Cùng với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông trong việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp, nhận thức đúng về con đường vào đại học không phải là con đường duy nhất của mỗi con người.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phân luồng, gắn với phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút từ 40% - 45% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2030 thu hút 45% - 50% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp Thành phố đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong nước, trong khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo. Để đạt mục tiêu này, các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp đang được các cấp, ngành của Thành phố tăng cường triển khai. Vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết chương trình phối hợp về định hướng phân luồng đối với học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông giai đoạn 2023 - 2025 đi học giáo dục nghề nghiệp.

Còn lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và nhân dân về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Các địa phương đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Đơn vị chức năng xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề, tương ứng với địa phương. Đồng thời, kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm cần đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền, từ góc độ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thạc sĩ Võ Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, các trường Trung học Cơ sở cần nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp, hoạt động trải nghiệm thực tế gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương từ sớm cho học sinh ngay từ khi các em bắt đầu bước vào lớp 6 và xuyên suốt cho đến lớp 9, không nên chỉ tập trung thực hiện đối với học sinh lớp cuối cấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; gắn tuyển sinh, đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nâng tầm thương hiệu các trường đào tạo nghề để thu hút học sinh vào học.

Đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trên các nền tảng công nghệ, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Công ty Đào tạo phát triển nguồn nhân lực và hướng nghiệp JobWay cho rằng cần khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trên các nền tảng công nghệ, giúp học sinh giải đáp câu hỏi bản thân có sở trường, mong muốn gì. Hướng nghiệp là quá trình lâu dài, giải pháp ứng dụng hướng nghiệp trên nền tảng công nghệ có thể đồng hành xuyên suốt với học sinh trong quá trình khám phá con đường nghề nghiệp của mình. Ví dụ với ứng dụng hướng nghiệp JobWay (ứng dụng đã đoạt giải tại cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức), học sinh có thể nhận được tư vấn hoàn toàn miễn phí với chuyên gia tâm lý, giúp học sinh khám phá nhiều tính năng như hiểu mình, hiểu nghề, hiểu trường…

Đào tạo nghề theo trọng điểm

Chú thích ảnh
Học sinh trường Trung cấp Việt Giao trong giờ học thực hành nghiệp vụ bàn. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Để công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao, công tác đào tạo nghề gắn với thúc đẩy thị trường việc làm tạo việc làm ổn định là rất cần thiết. Qua đó tạo niềm tin, khẳng định lựa chọn đúng của bản thân học sinh và gia đình cũng như những định hướng, chiến lược phát triển nhân lực của các cơ quan chức năng.

Theo các chuyên gia, thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học nghề, trước tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao sức hấp dẫn đối với học sinh và các bậc phụ huynh, thu hút học sinh vào học từ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm, làm việc đúng ngành nghề đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng: Các trường nghề cần xác định lĩnh vực trọng điểm để tập trung đào tạo. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng, đa dạng hóa các ngành nghề, hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề cho học sinh và có chính sách liên thông giữa các bậc học nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập suốt đời. Thành phố cũng xác định các lĩnh vực cần ưu tiên đào tạo nhân lực thời gian tới như: Công nghệ thông tin, cơ khí ô tô, kế toán-tài chính, cơ điện, quản trị doanh nghiệp, logistics, du lịch, chăm sóc sức khỏe, xây dựng-môi trường-đô thị.

Chia sẻ kinh nghiệm phối hợp tổ chức hướng nghiệp, định hướng nghề gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, Phó Giáo sư Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Trường phối hợp với các trường phổ thông “biến” tiết học hướng nghiệp thành “giờ sản xuất”. Giáo viên của nhà trường hướng dẫn các em tự chế tác ra những sản phẩm cụ thể, thiết thực, dù rất nhỏ, như thỏi son môi, ly cocktail, lọ dầu gió, logo… tạo cho học sinh sự hiểu biết và hứng thú ban đầu với nghề nghiệp, chuẩn bị cho các em sẵn sàng tâm lý đi vào lao động nghề nghiệp.

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II xác định thế mạnh đào tạo các ngành, nghề như: Kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật máy lạnh - điều hòa không khí, logistics, thiết kế đồ họa, quản lý nước thải công nghiệp, kỹ thuật sửa chữa - lắp ráp máy tính... Nhà trường cam kết bằng hợp đồng 100% sinh viên, học sinh sau khi ra trường có việc làm. Để thực hiện được cam kết, ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, nhà trường không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, giúp học sinh thuận tiện trong tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại, đồng thời nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Sự gắn bó mật thiết với doanh nghiệp được thực hiện từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, đến đào tạo và bảo đảm “đầu ra” cho học sinh đã và đang tạo niềm tin để học sinh yên tâm học nghề.

Thanh Trà (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh - Bài 1: Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực
Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh - Bài 1: Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực

Định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực quốc gia, góp phần tạo cân đối trong cơ cấu lao động, cung ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy đạt nhiều kết quả song hiện nay, công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh, nhất là học sinh sau Trung học Cơ sở ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN