Một ngày ở trường chờ xã Tà Mít

Sau thời gian hai năm, khu tái định cư Tà Mít còn nhiều dang dở, điện, trường, trạm chưa có, cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Để có chỗ đón học sinh vào lớp, thầy cô giáo phải mượn đất và cùng với phụ huynh vào rừng lấy gỗ, tre, nứa về dựng phòng học tạm.

 

Tiết học mỹ thuật lớp 2 của cô giáo Nguyễn Thị Huyền, em đứng, em ngồi vì bàn ghế không đồng bộ.

 

Tháng 5/2011, chuyển lên điểm tái định cư, mọi người ngỡ ngàng trước mặt là bãi đất trống trơ, không trường không lớp. Do mặt bằng dựng trường chưa san ủi nên chính quyền địa phương và Ban giám hiệu các trường cùng tìm đất để dựng lớp tạm. Phòng Giáo dục huyện Tân Uyên hỗ trợ tấm lợp bơ-rô, sắt, đinh, phông bạt… thầy cô giáo cùng bà con dân bản chặt tre, xẻ gỗ dựng lớp, dựng phòng. Phòng học dựng lên cũng tạm đủ cho các em ngồi học nhưng còn thiếu đủ bề, cùng một địa điểm, buổi sáng dành cho tiểu học, chiều mầm non… Nhiều thầy cô không có phòng, phải ở nhờ nhà dân.


Hiện nay, với nỗ lực của thầy, trò và bà con Tà Mít, trường lớp, phòng ở đã hơn trước nhiều. Học sinh THCS đã có bảy “lều” nội trú, bốn lớp học tạm. Tuy nhiên, trường lớp vẫn là tạm bợ, khung gỗ tạp, mái lợp tấm bơ-rô, nền đất và xung quanh thưng tre nứa. Tuy được gọi là trường nhưng chỉ là những lớp học trống tuềnh toàng, không cửa chính, cửa sổ. Những ngày mưa, trong lớp lênh láng nước. Vào mùa đông gió thông thống, ngồi trong lớp học mà cả thầy trò run lập cập, rét tím tái.

 

Trăn trở những lớp học tạm


Sáng sớm, tôi đã nghe tiếng rầm rì, í ới của thầy cô giáo và các em học sinh THCS nhóm lửa nấu cơm ăn để lên lớp. Lửa bếp cháy tí tách lọt qua phên liếp. Mặt trời nhô lên phía bên kia núi, sương mờ tan dần, tiết trời hiu hiu lạnh. Các cháu mầm non tay xách cặp lồng cơm, chai nước ra lớp. Tiếng giảng bài, đọc bài của thầy và trò vang lên từ các lớp học.


 

Thầy giáo Tô Hồng Điệp dạy múa cho học sinh.

 

Dẫn chúng tôi lên xem mặt bằng các doanh nghiệp đang thi công san ủi để xây dựng trường, thầy giáo hiệu trưởng Trường tiểu học Tà Mít, Nguyễn Đức Hương nói: Tiến độ làm chậm thế này, không biết bao giờ mới có trường kiên cố để thầy và trò đỡ khổ, mỗi lần có mưa to gió lớn thì các em học sinh phải nghỉ học vì cột, kèo dựng lớp là gỗ tạp và tre nứa đã trải qua gần hai năm sẽ mối mọt nên sợ không đảm bảo an toàn. Chỗ ở của giáo viên chật chội, mỗi phòng phải ở năm đến sáu người, sinh hoạt rất khó khăn và ảnh hưởng đến chuyên môn… Thầy giáo Hương cũng cho biết, chuyển lên điểm mới người dân ở tập trung, học sinh đi học đều, chuyên cần đảm bảo. Tuy nhiên, bàn ghế phòng học chưa đồng bộ, chưa có đất để dựng phòng công cụ, phòng sinh hoạt chuyên môn và phòng ở giáo viên. Khi chuyển trường lên, cấp tiểu học chỉ được cấp tạm một mảnh đất nhỏ chỉ đủ dựng hai phòng học ở trung tâm xã, bên cạnh có gia đình được cấp một miếng đất ở rộng hơn 600 m2 không dùng tới, người ta thương thầy cô giáo nên cho nhà trường mượn dựng lớp học tạm.


Trường tiểu học có 268 học sinh và 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng cũng chỉ có 15 phòng học, 5 phòng ở giáo viên của hai điểm trường trung tâm và điểm bản Nậm Khăn. Tới thăm lớp 2 cô giáo Nguyễn Thị Huyền, các em tập trung nghe giảng bài, thấy mấy em đứng nhấp nhổm tôi cứ tưởng các em bị cô giáo phạt nhưng thật ra là ghế ngồi quá thấp nên các em phải đứng để nhìn rõ chữ trên bảng và viết được. Giờ ra chơi, các em tập trung thành hàng để tập thể dục giữa giờ, sân trường bụi mù mặc dù mỗi buổi sáng giáo viên và học sinh đều lấy nước tưới khắp sân rồi.


Trường mầm non cũng ở trong tình trạng như vậy. Trường chuyển lên chẳng có đất cũng chẳng có trường, các giáo viên phải tranh thủ buổi chiều bên trường tiểu học nghỉ để mượn lớp dạy các cháu. Giáo viên thì tự liên hệ ở nhà dân hay sang trường tiểu học xin ở ghép. Gần cuối kỳ một năm học 2012 - 2013, nhà trường cố gắng mãi mới mượn được đất của bản để dựng 3 gian tạm lợp tấm bơ-rô, thưng bạt xung quanh. Hai gian để giáo viên ở, còn một gian làm lớp học phổ cập các cháu 5 tuổi, đó cũng là nơi ăn và ngủ trưa của các cháu. Đầu giờ sáng, tôi thấy các cô giáo mang đồ dùng dạy học từ phòng mình sang lớp trình bày chuẩn bị cho ngày học mới. Vì lớp không có cửa, bốn bên liếp chỉ dựng cao ngang thắt lưng, sợ tối mưa tạt ướt hết đồ dùng dạy học nên cuối buổi các giáo viên dọn về phòng mình, sáng lại trưng bày lại. Trước khi vào lớp dạy các cháu, thầy giáo Tô Hồng Điệp, Hiệu phó nhà trường, với thâm niên gắn bó nghiệp dạy chữ ở Lai Châu gần 13 năm nói: “Ở núi rừng, đáng lẽ ra đất phải có nhiều để phục vụ nhu cầu dân sinh và xã hội hóa nhưng ở đây lại không có đủ để dựng trường, dựng lớp…”.


Hơn 50 cán bộ, giáo viên nhân viên của cả ba cấp học mầm non, tiểu học, trung học xã Tà Mít, mỗi người một hoàn cảnh riêng. Họ đang gắn bó với mảnh đất này trong điều kiện thiếu thốn, không sóng điện thoại, không Internet, không điện thắp sáng…


Cô giáo mầm non Dương Thị Cấp, 27 tuổi, quê ở Bắc Kạn đang thổi lửa nấu cơm chiều trong túp lều rộng hơn 4 m2 đủ để kê cái phản nằm ngủ và đặt cái bếp. Cô giáo Cấp nói về chàng trai đang hì hục bổ củi phía ngoài: Chồng em đấy, anh ấy làm sơn ngoài huyện, đầu tuần chở em vào trường chưa chịu về, cứ bảo ở lại đỡ đần cho vợ vài ngày… Vợ chồng Cấp cưới nhau ở quê, năm 2010 cô lên Lai Châu nhận việc, một năm sau chồng cũng khăn gói lên cùng để gần vợ gần chồng. Nhìn trên phên liếp có dán hình cháu nhỏ in bằng tờ giấy A4 đen trắng, tôi hỏi vợ chồng Cấp cháu là con à? Chồng Cấp nói: Cháu mới được một tuổi thì vợ chồng em gửi về ông bà ngoại ở, cô ấy nhớ quá nên dán hình con lên nhìn. Biết là nhớ con nhưng để lại thì cả hai vợ chồng đều không có điều kiện chăm sóc cháu. Có lần, cô ấy ôm chồng khóc nức nở xin được về nhà thăm con dù ở một ngày rồi đi cũng được, em chỉ biết động viên vợ cố gắng vì đường xa, đi lại khó khăn, hơn nữa ai cũng về thì lấy ai dạy các cháu…


Ăn xong bữa cơm trưa, chúng tôi và một vài thầy cô giáo sang bản Nậm Khăn. Trên xuồng, thầy giáo tiểu học Hoàng Văn Tấm tâm sự: Anh chị em giáo viên ở điểm bản này muốn vào Nậm Khăn thì chỉ có cách đi bằng xuồng máy. Mọi người chung nhau trọn gói một chuyến là 300.000 đồng, vì vậy đầu tuần chuẩn bị đầy lương thực thực phẩm đủ ăn, ngày nghỉ lại về, có người quê ở xuôi chưa có gia đình thì vài ba tháng mới ra huyện một lần. Thầy Tấm kể chúng tôi nghe chuyện cô giáo Tống Thị Nhương, 32 tuổi, quê ở tỉnh Hòa Bình bố mất được một tuần, lúc cô ra điểm trường trung tâm có sóng điện thoại điện về thì mới biết. Nhương về để tang bố được mấy ngày, lại vội vã quay về trường để đứng lớp.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN