Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo - Bắt đầu từ đổi mới tư duy

Câu chuyện đổi mới giáo dục luôn là đề tài nóng hổi và kéo dài suốt nhiều năm qua không chỉ ở Việt Nam, ở các nước châu Á mà ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Anh,... Điều này cho thấy giáo dục - đào tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của từng cá nhân, từng gia đình và từng quốc gia.

 

Đổi mới trên cơ sở kế thừa và phát huy

 

Trong bối cảnh đầu tư còn hạn hẹp, cả nước vẫn đảm bảo một nền giáo dục ngày càng rộng mở hơn cho số đông với 23,5 triệu người đi học với mức chi phí tính theo đầu học sinh vào loại thấp nhất thế giới. Tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong 3 năm gần đây không thay đổi (20%) trong khi đó từ năm 2010, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (khi còn là Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo), giáo dục có thêm nhiệm vụ mới là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.


Điều đó có nghĩa giáo dục bắt buộc phải lo thêm cho hơn 1 triệu trẻ 5 tuổi/năm. Dẫu chưa hoàn toàn hài lòng, các bậc phụ huynh vẫn phải thừa nhận: Con cháu chúng ta hiểu biết và giỏi hơn thế hệ đi trước.

 

Giờ thực hành môn Hóa học của học sinh Trường THCS Phủ Thông (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn), trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn một - năm 2011.

 

Chất lượng giáo dục ở mọi cấp đều được nâng lên. Nội dung giáo dục cũng có điều chỉnh mà gần đây là chủ trương đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy nói chung và dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3, nhằm đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về CNTT và tiếng Anh trong 10 năm tới. Điều này trang bị cho học sinh năng lực để sẵn sàng hội nhập quốc tế.


Công tác quản lý giáo dục cũng có bước chuyển động tích cực theo hướng chuẩn hóa và hướng mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội.... Tất cả cho thấy một nền giáo dục đã có bước chuyển mạnh mẽ, đúng hướng.


Tuy nhiên giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Hạn chế lớn nhất là chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong trường đại học còn yếu.


Quản lý giáo dục bất cập là nguyên nhân của nhiều yếu kém gây bức xúc kéo dài; Chưa quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Nội dung và phương pháp, chương trình giáo dục còn lạc hậu, nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, dạy nghề.


Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã chỉ rõ 6 ưu điểm và 4 hạn chế của thực trạng nền giáo dục hiện nay. Trên cơ sở đó, Đề án nêu rõ quan điểm: Đổi mới căn bản và toàn diện không phải là làm lại tất cả, làm lại từ đầu mà là kế thừa và phát huy những quan điểm, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ và của ngành giáo dục. Trên cơ sở đó, đổi mới từng bước, có trọng tâm ở những khâu then chốt.

 

Đổi mới diễn ra đồng thời, đồng bộ trên tất cả các khâu


Đổi mới giáo dục là đòi hỏi xuất phát từ thực tế, là việc không thể chậm trễ và cần phải diễn ra một cách căn bản, toàn diện, đồng thời và đồng bộ trên tất cả các khâu, từ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá,... Trên cơ sở nêu rõ mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo tới năm 2020, định hướng 2030, Đề án đã chỉ rõ 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao quát toàn bộ hoạt động giáo dục.


Từ ý kiến tập hợp qua 45 cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, các nhà quản lý, nhà giáo,... thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có nhiều phiên họp thảo luận về Đề án. Ngày 24/8, Bộ Chính trị cũng đã cho ý kiến hoàn thiện Đề án.

 

Giải pháp hàng đầu là đổi mới tư duy


Giải pháp hàng đầu được đặt ra tại Đề án là phải đổi mới tư duy về giáo dục và đào tạo. Chỉ có đổi mới tư duy về giáo dục đào tạo thì mới có thể thực hiện đầy đủ quan điểm “Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và nhân dân”; “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Chỉ khi phát triển giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực phải là một cấu phần bắt buộc của quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành, thì việc bố trí đủ quỹ đất cho nhà trường mới đi trước sự phát triển của đô thị, mới chấm dứt cảnh chen nhau nộp đơn nhập học.

 

Chỉ khi các chủ trương của Đảng được cụ thể hóa đầy đủ thành chính sách của Nhà nước thì các địa phương mới thực hiện chi đúng, chi đủ ngân sách cho giáo dục, đảm bảo ngoài 80% chi lương còn 20% chi cho các hoạt động tổ chức giáo dục như: phô tô bài, trang bị nước uống,... và các cơ sở không còn lý do để lạm thu. Hiện không dưới 1/3 tỉnh dành tới 85%, thậm chí 90% ngân sách để chi cho lương. Việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 cũng cần tiến hành bài bản và khoa học, có sự đóng góp và giám sát của giới trí thức, các nhà giáo tâm huyết,...


Quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được Đảng đề cao nhưng thực tế chưa được như vậy. Việc cần làm theo PGS.TS. Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội là phải rà soát lại để có bộ máy tổ chức thực hiện phù hợp; để những người trực tiếp phụ trách công tác này “có đủ điều kiện và quyền hạn “hàng đầu” tương xứng” thì mới tạo ra niềm tin chủ trương không chỉ dừng lại ở lời hô hào khẩu hiệu.


Hy vọng với hàng loạt giải pháp đồng bộ và các bước đi mạnh mẽ, Đề án được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến lần này sẽ tạo nên bước chuyển căn bản và toàn diện của nền giáo dục và đào tạo.

GS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:  Muốn đổi mới cần giải quyết các mâu thuẫn

Theo tôi, thứ nhất, cần có chính sách phát triển xã hội hợp lý hơn, nên coi kinh tế là biện pháp, xã hội - con người là mục tiêu, do đó phải đổi mới nền giáo dục theo triết lý phục vụ đắc lực yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, mâu thuẫn giữa chính sách phát triển giáo dục nhanh, quy mô lớn với chính sách đầu tư: “đầu vào” thiếu đủ điều, làm sao có “đầu ra” ưng ý được. Quan trọng hơn: các cấp ủy Đảng và chính quyền chưa chỉ đạo phát triển giáo dục thực sự như là “quốc sách hàng đầu” (Kết luận của Bộ Chính trị tháng 4/2008). Mâu thuẫn giữa đường lối đúng và thực hiện quá xa với yêu cầu - tình hình giáo dục như hiện nay là đương nhiên. Thứ ba, trong hoạt động dạy học, mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và kỹ năng, giữa học vấn và năng lực hoạt động, giữa hiểu biết và văn hóa ứng xử... Nói gọn, ở ta dạy và học chỉ để đi thi, cả tâm lý xã hội lẫn quản lý nhà nước về giáo dục chưa thoát khỏi triết lý giáo dục “hư văn, khoa cử, quan trường”, khiến các mâu thuẫn càng thêm gay gắt. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần phải giải quyết các mâu thuẫn đó. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục theo tôi, cần xây dựng nền giáo dục nhân văn, thực học, thực nghiệp, hình thành và phát triển, phát huy giá trị bản thân người học, nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển con người. Tư tưởng cốt lõi của triết lý giáo dục nhân văn là hình thành được ở người học tình yêu con người, đánh giá đúng cả mình lẫn người, coi trọng năng lực thực của mình.

 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:Đổi mới giáo dục chỉ thành công khi đổi mới kinh tế - xã hội

 

Giáo dục là một bộ phận của xã hội, vì vậy sự nghiệp đổi mới lĩnh vực chỉ có thể thành công với điều kiện kinh tế - xã hội được đổi mới. Nguyên nhân sâu xa nhất hạn chế chất lượng giáo dục của nước ta là nền kinh tế và thị trường lao động chưa tạo ra được sức hấp dẫn và áp lực buộc giáo dục phải thay đổi. Nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế nhà nước, chưa vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường, từ đó đẻ ra một thị trường lao động không công bằng và một nền giáo dục ứng thí, đi học chỉ cốt lấy bằng nhằm đáp ứng “tiêu chuẩn cán bộ”, chứ không cần thực học. Phải tìm cách thích nghi với một thị trường lao động như vậy, lớp trẻ nếu không bị tha hóa về nhân cách thì cũng ít có động cơ chính đáng trong học tập, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình. Cho nên, Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách kinh tế và đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, nhân ái, tạo môi trường xã hội tích cực để hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho tuổi trẻ học đường. Đổi mới một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục và hàng chục triệu người học như giáo dục không phải dễ dàng. Nhưng đó là công việc nhất thiết phải làm. Lê Vân (ghi)



Hoàng Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN