Tiến sĩ nông học Cuba và Giải thưởng lương thực thế giới

Một trong những giải thưởng quốc tế có ý nghĩa xã hội sâu sắc đó là Giải thưởng lương thực thế giới. Giải được trao cho những nhà nghiên cứu hay các giới chức hàng đầu về chính sách để ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc phát triển con người bằng cách cải thiện số lượng và chất lượng lương thực, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận lương thực trên thế giới.

 

Ngày 11/8/2002, nhà nông học người Cuba Pedro Sanchez đã vinh dự được nhận giải thưởng này. Tiến sĩ nông học người Cuba Pedro Sanchez sinh năm 1940. Thời thơ ấu, ông sống tại trang trại của gia đình ở ngoại thành Havana. Năm 1958, Pedro Sanchez học đại học Cornell với chuyên ngành nghiên cứu nông nghiệp và 10 năm sau, ông đạt học vị tiến sĩ nông học.

           

Từ năm 1968 đến năm 1971, Pedro Sanchez dẫn đầu một nhóm nghiên cứu đến Peru với mục đích giúp quốc gia này phát triển nông nghiệp. Ông và các cộng sự của mình đã có nhiều đóng góp trong việc làm thay đổi bộ mặt của nền nông nghiệp Peru. Kết hợp cùng với chương trình cải cách ruộng đất của chính phủ Peru, ông và các cộng sự đã góp phần đưa Peru từ một nước nhập siêu nông sản trở thành một nước tự cung cấp lương thực và sản xuất lương thực gần như đứng đầu thế giới lúc bấy giờ.

 

Nhà nông học Pedro Sanchez.


Năm 1972, Pedro Sanchez sang làm việc tại Brazil và tham gia vào Chương trình phát triển nông nghiệp ở các vùng đất nhiệt đới.Ông tham gia cố vấn, hỗ trợ các sáng kiến nông nghiệp cho chính phủ Brazil và đã đem lại sự tăng trưởng về sản lượng nông nghiệp đáng kể ở những vùng đất có độ dinh dưỡng thấp. Ví dụ như đối với vùng đất Cerrado, Pedro Sanchez đã áp dụng  phương thức canh tác không cầy xới, đem lại tác động rất lớn cho việc sản xuất nông nghiệp, làm giảm xói mòn và ô nhiễm nguồn nước thường xuyên, đồng thời tăng lượng vật chất hữu cơ và tăng khả năng giữ nước, cô lập lượng khí carbon, góp phần đa dạng sinh học đất.

 

Ông đã đưa nền nông nghiệp của Brazil phát triển vượt bậc. Hơn 30 triệu ha đất được đưa vào sản xuất, năng suất trung bình tăng 60%, thu hoạch ngũ cốc tăng gấp 3 lần. Ông và các cộng sự của mình đã xóa bỏ quan niệm rằng, đất nhiệt đới không có khả năng sản xuất nông nghiệp.

           

Không ngừng nghiên cứu để nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời vẫn giữ được sự ổn định sinh thái lâu dài, Pedro Sanchez tiếp tục mở rộng công việc của mình tại khu vực châu Á và châu Phi trong những năm 1980.

         

Năm 1991, Pedro Sanchez làm Tổng giám đốc Trung tâm nông lâm thế giới – ICRAF ở Kenya. Ông bắt đầu một nghiên cứu mới có tên gọi là chương trình “trẻ hóa đất”, với chi phi thấp trên toàn lãnh thổ phía đông và miền Nam châu Phi.


Ông Sanchez giúp đỡ người nông dân Kenya.


Hơn 400.000 nông dân của hơn 20 quốc gia ở châu Phi đã tiếp cận với các chương trình khoa học của ông, và nó đã đem lại sản lượng lương thực tăng 400%. Ngay cả trong những năm hạn hán, những người nông dân châu Phi vẫn có thể đạt được sản lượng thu hoạch một tấn ngô trên mỗi héc-ta. Nhưng, điều quan trọng nhất mà công trình nghiên cứu của Pedro Sanchez đem lại, đó là ông đã xóa được tình trạng đói nghèo ở Kenya.

 

Pedro Sanchez cho rằng “nông dân châu Phi cần phải biết khi nào cần sử dụng và sử dụng một cách chính xác số lượng và chất lượng phân bón, cần có sự hỗ trợ về tài chính để nâng cao và mở rộng đất đai, để nâng cao năng lực chế biến cây trồng một cách hiệu quả và năng lực đưa hàng nông sản tiếp cận thị trường”.

           

Ngày 11/8/2002, Pedro Sanchez vinh dự được nhận Giải thưởng lương thực thế giới nhờ những đóng góp mang tính đột phá của ông trong việc làm giảm tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển.

 

Giải thưởng Lương thực thế giới được thành lập theo sáng kiến của tiến sĩ Norman Borlaug vào năm 1986. Giải thưởng được trao vào tháng 10 hàng năm cho những cá nhân có thành tích “góp phần phát triển và hỗ trợ cuộc sống của con người thông qua việc tăng cường chất lượng, số lượng và khả năng tiếp cận lương thực trên thế giới”. Giải thưởng này được coi là một giải Nobel trong lĩnh vực nghiên cứu lương thực.

           

Bên cạnh việc nhận Giải thưởng Lương thực thế giới năm 2002, Pedro Sanchez còn được chính phủ Colombia và Peru trao bằng Tiến sĩ danh dự. Năm 2004, Pedro Sanchez giành giải thưởng “Genius” uy tín của Quỹ Mac Arthur về những thành tựu khoa học của ông trong việc mở rộng nguồn cung cấp lương thực và cải thiện điều kiện sinh thái ở các nước đang phát triển.

           

Năm 2006, ông được bầu làm thành viên của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của Khoa học thuộc thể loại “Nông nghiệp, lương thực và tái tạo tài nguyên”. Tháng 8 năm 2008, Pedro Sanchez là thành viên của Học viện Nghệ thuật và Khoa học Mỹ.

           

Luôn luôn hướng tới Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc nêu ra, Pedro Sanchez và các cộng sự của mình ngày đêm nghiên cứu những ứng dụng mới trong nông nghiệp nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói ở các nước kém phát triển.

 

Không chỉ miệt mài làm việc, Pedro Sanchez còn liên tục tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2011, ông đã cùng vợ mở một quĩ học bổng mang tên mình dành cho các nữ sinh ở các xã vùng nông thôn nghèo khó của châu Phi.

 

 

Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN

Chiến tranh phi nghĩa và hậu quả nặng nề từ chất độc da cam/điôxin
Chiến tranh phi nghĩa và hậu quả nặng nề từ chất độc da cam/điôxin

Cách đây 53 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã rải những chất độc hóa học đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hoá học tàn bạo kéo dài ngày nhất, tàn bạo nhất, gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN