Ứng xử thông minh với văn hóa Hàn

Sự cuồng nhiệt của giới trẻ khi đón các thần tượng K - pop (nhạc nhẹ Hàn Quốc) đến Việt Nam tham dự Đại nhạc hội Việt - Hàn vừa qua cho thấy ảnh hưởng khá rộng của làn sóng văn hóa Hàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp nhận làn sóng văn hóa Hàn ra sao để hiểu đúng về văn hóa Hàn Quốc là vấn đề đang được đặt ra.

 

Sự sao chép về hình thức


Nhìn cách các fan kêu gào khóc thảm thiết khi gặp ca sĩ Hàn tại sân bay, nhiều người thốt lên: “Sao họ cuồng đến vậy, có vẻ sự yêu thích đã đi quá đà”. Trước chương trình K - pop này, trả lời báo chí trong vai trò là cố vấn, nhạc sỹ Phú Quang cũng phải thừa nhận: “Hiện nay có nhiều bạn trẻ Việt Nam ái mộ các ban nhạc Hàn. Thậm chí nhiều ban nhạc trẻ của Việt Nam cũng bắt chước phong cách ban nhạc Hàn, khiến tôi xem cứ tưởng nghệ sĩ Hàn biểu diễn. Điều đó cho thấy sự lan tỏa của âm nhạc khá rộng, bởi ở đâu ngôn ngữ bất lực, thì ở đó âm nhạc lên tiếng. Tuy nhiên, sự sao chép về hình thức của những ca sĩ này mà chưa chuyển hóa thành bản sắc mang thương hiệu V - pop thì khó có chỗ đứng trong lòng khán giả”.


 

Một nhóm bạn trẻ Việt Nam trong cuộc thi K - pop.

 

Sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc cũng không thể trách giới trẻ, bởi nó có nguyên nhân từ sự tiếp nhận không chọn lọc của nhiều ca sỹ để tạo ra một V - pop có bản sắc. Nguyễn Khánh Chi, sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Một sự thật là Việt Nam vẫn chưa có định hướng rõ ràng để phát triển văn hóa hay nói cách khác là chưa tạo bản sắc văn hóa hiệu quả, trọng tâm để định hướng giới trẻ. Chính vì vậy khi làn sóng văn hóa Hàn du nhập theo con đường phim truyện nhẹ nhàng, âm nhạc sôi động phù hợp với thị hiếu của giới trẻ thì đã được tiếp nhận nhanh chóng”.


Bà Nguyễn Ngọc Trâm Oanh, giảng viên bộ môn Hàn Quốc học (Trường ĐH KHXHNV TP.HCM thừa nhận: “Làn sóng Hàn Quốc (hay còn gọi là hallyu) thâm nhập Việt Nam cách đây hơn 10 năm với những bộ phim truyện nhiều tập có kết cấu câu chuyện nhẹ nhàng mang tính triết lý và tình cảm sâu sắc mang đậm nét Á Đông. Khoảng giữa năm 2005, được coi là giai đoạn bão hòa của dòng phim Hàn khi thời lượng chiếu phim giảm từ gần 20% xuống 8,4%. Tuy nhiên từ đó đến nay, làn sóng Hàn chủ đạo là K - pop khi lan tỏa với sự phát triển của Internet. Đối với phim Hàn, thực tế vẫn được khán giả Việt Nam quan tâm bởi các đề tài phim cổ trang, ý nghĩa nhân văn; khác hẳn với dòng phim Việt Nam”.


Thậm chí nhiều bạn trẻ cho rằng, hiện nay nhiều phim của Việt Nam cũng bắt chước phim Hàn Quốc theo kiểu chuyển thể, mua bản quyền nên không tạo bản sắc riêng hấp dẫn khán giả.

 

Chọn lọc nội dung


Bà Nguyễn Ngọc Trâm Oanh khẳng định: “Sự đầu tư về quảng bá văn hóa Hàn Quốc không chỉ đơn thuần làm nghệ thuật mà đằng sau là cả chiến lược cho thúc đẩy kinh tế như thời trang, game, du lịch... Điều này có thể thấy qua phong trào của giới trẻ Việt bắt chước sao Hàn thể hiện qua ăn mặc, tiêu dùng. Ảnh hưởng của văn hóa Hàn thông qua sự phát triển của chuyên ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam. Chỉ riêng trường ĐH KHXHNV TP.HCM, số lượng sinh viên đầu vào của bộ môn Hàn Quốc học chỉ có 30 sinh viên năm 1994, nay tăng lên 120 sinh viên/năm. Khi được hỏi động cơ đăng ký vào chuyên ngành này, đa số sinh viên đều trả lời vì yêu thích âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc. Điều này phản ánh phần nào tình cảm của giới trẻ Việt Nam đối với làn sóng văn hóa Hàn Quốc”.


Ông Kang Cheol Keun, Chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu thừa nhận: “Hallyu không dừng lại ở lĩnh vực văn hóa mà mở rộng sang lĩnh vực kinh tế. Thực tế trước kia, Hàn Quốc cũng đã từng lo lắng và bài trừ những làn sóng văn hóa Nhật, văn hóa phương Tây, hay văn hóa Mỹ vốn được nhiều người tiếp nhận. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiếp nhận những nền văn hóa đó với tinh thần thoải mái và kết hợp, sáng tạo nền văn hóa riêng của chúng tôi tạo nên làn sóng Hallyu như hiện nay”.


Bà Nguyễn Ngọc Trâm Oanh cho rằng: “Trong thế giới hội nhập với công nghệ internet như hiện nay, vấn đề quan trọng là thái độ của chúng ta trong việc chuẩn bị đón nhận như thế nào để tận dụng mà không bị phá hỏng. Nói một cách hình tượng, nó như bãi cát luôn ôm trọn và thẩm thấu để luôn được phẳng lỳ sau những cơn sóng”.


Theo PGS.TS Lương Hồng Quang, Viện phó Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam, trong một thế giới toàn cầu hóa, sự đóng cửa là không thể. Ứng xử tốt nhất là tiếp nhận, thích nghi và nâng cao năng lực tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa. “Tôi cho rằng chúng ta cần có một chiến lược phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc là một bài học lớn cho Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh về thương mại và văn hóa, tạo làn sóng và qua đó phát triển văn hóa là cách thức mới trong sản xuất văn hóa. Chúng ta phải thích ứng và học hỏi cách tiếp nhận này. Cần biến cái của bạn thành cái của mình, và cần nhất là sự ứng xử thông minh”, ông Lương Hồng Quang chia sẻ.



Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN