Lương Thế Vinh - Danh nhân văn hóa đa tài

Lương Thế Vinh (1441-2011)- một con người thông minh xuất chúng, có chí khí kỳ lạ và tài hoa vượt bậc. Đó là những nhận xét, đánh giá của các nhà nghiên cứu sử học tại hội thảo “Lương Thế Vinh- thân thế và sự nghiệp”. Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và dòng họ Lương tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 570 năm ngày sinh của ông.

Nhà toán học lỗi lạc

Lương Thế Vinh đã nhìn ra rất sớm vai trò của toán học trong đời sống xã hội. Những giai thoại được lưu truyền cho thấy sự nhìn xa đáng kinh ngạc đó. Trong khi, số danh nhân đóng góp về khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán học trong lịch sử hết sức hiếm hoi. Điều đó không có nghĩa là cha ông ta không có khả năng về các ngành khoa học tự nhiên. Chỉ tiếc rằng, trong hàng trăm năm, hệ thống thi cử chỉ chú ý đến văn chương và triết học. Cùng với đó, những thành tựu về khoa học tự nhiên ít được xã hội thời bấy giờ tôn vinh nên đã phần nào kìm hãm sự phát triển của ngành khoa học tự nhiên, vì thế tài liệu lưu giữ cũng rất ít. “Trong bối cảnh như vậy, những đóng góp của Trạng nguyên Lương Thế Vinh trong việc giảng dạy, tuyên truyền và ứng dụng toán học có ý nghĩa hết sức quan trọng”, Giáo sư Văn Như Cương phát biểu tại hội thảo.

Mộ Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại Cao Phong, Vụ Bản, Nam Định.

Tài năng toán học của Lương Thế Vinh được minh chứng bằng tập sách “Toán pháp đại thành”, được xem là tập sách Toán học đầu tiên ở nước ta. Trong tập sách “Toán pháp đại thành”, Lương Thế Vinh đã tổng kết những kiến thức toán thời đó và cả những phát minh của ông. Sách dạy các kiến thức về số học, phương pháp đo lường bóng (phương pháp đồng dạng), hệ số đo lường, cách cân đo đong đếm, định vị, đơn vị… Điều đáng ngạc nhiên là tập sách được soạn từ thế kỷ XV mà mãi đến thế kỷ XIX vẫn được dùng làm sách giáo khoa để giảng dạy trong các trường học.

Chính trị gia - văn gia nổi tiếng đời Lê

Không chỉ giỏi toán, Lương Thế Vinh còn được người đời biết đến như một văn gia nổi tiếng đương thời. Ông có nhiều đóng góp cho văn đàn thời bấy giờ. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao đàn của vua Lê Thánh Tông, chuyên phê bình thơ, từng nhiều lần ngâm họa với vua Lê…

“Rất nhiều những tác phẩm văn chương của Lương Thế Vinh đã bị thất lạc. Tuy nhiên chỉ với những gì còn lại như một bài văn sách, 2 bài phú, một loạt bài ký, một số bài thơ... cũng đủ để khẳng định tài năng văn chương hiếm có ở con người kỳ tài này”, Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê nhận xét.

Trong “Đăng khoa lục sưu giảng” có viết: “Vua Thánh Tông thấy Thế Vinh là người hay chữ, dùng làm chức Hàn lâm thị thư Chưởng viện. Tất cả giấy tờ giao thiệp với nhà Minh, tự tay Thế Vinh soạn thảo. Người Trung Hoa phải chịu nước Nam có tay văn chương giỏi”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định dâng hương tại lễ kỷ niệm 560 năm ngày sinh Trạng nguyên Lương Thế Vinh.


“Để soạn thảo được những loại văn kiện ngoại giao, phải là người có cả tài văn chương lẫn mưu trí tuyệt đỉnh. Người đó còn phải có tài năng ngoại giao để làm thế nào giữ thể diện của nước mình, không mất mặt với nước họ, không được thiếu vấn đề nào cần giải quyết trong tranh chấp giữa nước ta và nhà Minh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Liễn nói.

Sử sách ghi lại cho biết, nhiều áng văn bang giao do Lương Thế Vinh soạn thảo có lời lẽ khôn khéo, sắc sảo, đã giải quyết được rất nhiều rắc rối xảy ra ở vùng biên giới Việt Nam- Trung Quốc, cứu nguy nhiều phen cho nước nhà. Song đáng tiếc là di văn của ông bị thất truyền từ lâu.

Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê đã nhận xét: “Lương Thế Vinh là một trí tuệ lớn được phát lộ rất sớm. Tài năng của ông đã được phát huy và để lại cho đất nước một sự nghiệp và di sản lớn. Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên lúc mới 23 tuổi, một hiện tượng hiếm hoi và đặc biệt trong lịch sử đất nước ta. Ông là một nhà chính trị có cương thường và đạo lý rất đáng trân trọng. Ông đòi hỏi rất cao ở thái độ chính trị của vua Lê Thánh Tông tuy rằng đất nước đang trong thời kỳ thịnh trị. Ông kịch liệt phê phán thói tham quan, ô lại. Ông muốn tất cả những người tham chính, kể cả nhà vua, phải làm hết chức trách của mình, đem hết tài năng và phẩm chất của mình để xây dựng đất nước, phò vua, giúp dân”.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Lương Thế Vinh là cuộc đời của một nhân tài đa tài, hiếm thấy trong lịch sử thời phong kiến của nước ta. Ông là con người thanh liêm và rất cương trực, không chấp nhận những cái xấu xa của xã hội, nhất là chốn quan trường. Một con người sống trong chế độ quân chủ nhưng quyết sống đời sống kẻ sĩ của người quân tử, Lương Thế Vinh là một danh nhân văn hóa lớn của đất nước, dân tộc ta. Ông xứng đáng được suy tôn đúng với tài năng và cống hiến của mình.

Nguyễn Cúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN