Giáo dục văn hóa giao thông: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Chính phủ: Quyết liệt

Con số 12.000 người chết, 9.000 người bị thương vì tai nạn giao thông trong mỗi năm, rất nhiều thiệt hại về tài sản cho bản thân mỗi cá nhân và cho toàn xã hội, cùng với đó là nỗi đau thương mất mát và gánh nặng của biết bao gia đình có người bị tai nạn giao thông (TNGT). Thống kê trên đây của Ủy ban Giao thông Quốc gia (ATGTQG) thật sự khiến mỗi chúng ta phải giật mình.

Và không chỉ TNGT, mà bản thân tình trạng ùn tắc giao thông cũng đang ngày càng trở nên trầm trọng ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho xã hội, gây nên nỗi bức xúc, mệt mỏi của người tham gia giao thông, làm giảm chất lượng cuộc sống và đảo lộn sinh hoạt của mỗi gia đình, mỗi người trong chúng ta.

Với một môi trường giao thông nhiều "bộn bề" như vậy, nên những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Uỷ ban ATGT QG, Bộ GTVT cùng các ngành, các cấp đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để kiềm chế, tiến tới đẩy lùi TNGT và ùn tắc giao thông. Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn cao, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn ra trầm trọng.

Năm 2012 đã được Chính phủ chọn là "Năm An toàn Giao thông Quốc gia". Có thể coi đây là quyết tâm chính trị lớn để kiên quyết lập lại trật tự ATGT, đồng thời là hành động thiết thực để hưởng ứng Thập kỷ ATGT toàn cầu (2011-2020) do Liên hiệp quốc phát động. Trong Thông điệp đầu Năm An toàn Giao thông - 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: "Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng nhau có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và với toàn xã hội. Hành động của mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay, đó là chấp hành nghiêm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông". Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp nỗ lực phấn đấu mỗi năm giảm từ 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì TNGT.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức, các cơ quan báo chí truyền thông đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, công việc trọng tâm là xây dựng văn hóa giao thông.

Văn hóa giao thông- phải "nghiêm" mới có!

Theo Ủy ban ATGTQG, 80% số vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua là do ý thức của người điều khiển, điều này cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT chính là là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn kém.Từ ý thức kém dẫn đến hành động, ứng xử khi tham gia giao thông còn kém, thiếu văn hoá và là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT.

"Chúng ta đang hàng ngày phải chứng kiến tình trạng một số người ngang nhiên vượt đèn đỏ, lấn chiếm làn đường, say rượu bia vẫn lái xe, gây gổ thậm chí hành hung khi xảy ra va chạm nhỏ; tình trạng chen lấn xô đẩy khi lên xe buýt, thanh niên không nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật. Một số người thực thi công vụ còn thiếu trách nhiệm, như còn có hiện tượng CSGT, thanh tra giao thông nhận mãi lộ, công tác đăng kiểm, sát hạch cấp bằng lái xe còn có tiêu cực, còn có hiện tượng bớt xén, làm ẩu, công trình kém chất lượng dẫn đến TNGT... Đây chẳng những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi thiếu văn hoá, văn minh," Ông Nguyễn Anh Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vision One Media, một đơn vị truyền thông đang tham gia tích cực vào các chương trình xây dựng văn hóa giao thông cho biết.

Theo ông Hiếu, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông, việc cần làm là phải đa dạng hoá phương thức tuyên truyền giáo dục, không chỉ tác động vào lý trí mà còn phải tác động vào tâm hồn, tình cảm của mỗi người. Làm thế nào để cho người không chấp hành pháp luật về ATGT không chỉ lo sẽ bị xử phạt mà còn phải cảm thấy xấu hổ với hành vi của mình, (văn hóa xấu hổ) vì đó là hành vi thiếu văn hoá, thậm chí thiếu đạo đức nếu vì thế mà gây ra TNGT. Việc tác động vào tâm hồn, tình cảm của mỗi người không gì nhanh hơn, hiệu quả hơn là từ góc độ văn hoá nghệ thuật. Nghệ thuật là tiếng nói từ trái tim đến với trái tim, làm rung động tâm hồn, tạo nên xúc cảm tốt đẹp, cao thượng từ đó sẽ làm chuyển biến về ý thức ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Trong năm 2012, ông Hiếu cho biết Vision One Media trong năm 2012 có chủ trương phối hợp với nhiều tổ chức và đối tác xây dựng các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Sự kiện ca múa hài “An toàn cho Tôi, cho Bạn và cho Chúng ta” tại Hà Nội được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 cùng với một chiến dịch truyền thông sâu rộng là sáng kiến của Vision One Media phối hợp với Báo GTVT và Nhà hát Tuổi trẻ nhằm kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay hành động vì văn hóa giao thông, hưởng ứng lời kêu gọi thực hiện Năm ATGT của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế cho thấy, khi các đơn vị cùng vào cuộc, khi mỗi doanh nghiệp cùng góp một tay, cùng chung một tiếng nói "không" với vi phạm ATGT, thì sẽ có những chuyển biến đáng kể. Công ty CP Sông Đà 10 là một ví dụ như thế.

"Năm 2012 là năm được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải chọn là “Năm An toàn giao thông”. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình ngầm và dịch vụ dưới lòng đất, các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, giao thông, công trình công nghiệp, công trình công cộng, nhà ở, công trình thuỷ điện vừa và nhỏ… chúng tôi tự xác định mình không thể đứng ngoài cuộc. Công ty chúng tôi cam kết đồng hành cùng với Chính phủ và Bộ GTVT trong "Năm An toàn Giao thông 2012" này.

Công ty đã tích cực tuyên truyền vận động mỗi CNVCLĐ gương mẫu khi tham gia giao thông; có hiểu biết đầy đủ pháp luật về an toàn giao thông; có ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện với người đồng hành, tận tình giúp đỡ người bị tai nạn; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; tránh để xảy ra tai nạn giao thông khi tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông gắn với liền với văn hóa doanh nghiệp.

Tổ chức các lớp tập huấn về An toàn giao thông, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông tại khối văn phòng Công ty và trên các địa bàn mà Công ty đang hoạt động. Bản thân mỗi CBCNV Công ty sẽ là “hạt nhân” trong gia đình mình, tuyền truyền cho người thân nâng cao văn hóa giao thông trên mỗi con đường di chuyển", ông Trần Ngọc Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà 10 cho biết.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, các CB-CNV của Công ty đã được tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn về ATGT, mỗi phòng ban trong Công ty đã phát động những chương trình, những phong trào thi đua chấp hành trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông riêng của mình. Nhờ đó, ý thức tham gia giao thông của những cán bộ công nhân viên Công ty đã được thay đổi đáng kể.

Công ty CP Xây lắp Dầu khí Hà Nội là đơn vị thành viên của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Là doanh nghiệp chuyên về xây dựng Công nghiệp và dân dụng, có nhiều công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng ngày hàng giờ có hơn 1.000 CBCNVC-LĐ của Công ty CP Xây lắp Dầu khí Hà Nội tham gia giao thông. PVC-HN thấu hiểu tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong ý thức mỗi người.

Ông Phùng Văn Hải, Giám đốc PVC-HN tâm sự: “Việc doanh nghiệp cùng chung tay với các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông đại chúng…nâng cao ý thức về văn hóa giao thông, thực hiện An toàn Giao thông là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Công ty chúng tôi cam kết đồng hành với Năm An toàn Giao thông 2012 do Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT phát động”.

Hưởng ứng lời kêu gọi lời kêu gọi Năm An toàn Giao thông 2012, trong thời gian tới, PVC-HN tích cực tuyên truyền vận động mỗi CNVCLĐ gương mẫu khi tham gia giao thông; có hiểu biết đầy đủ pháp luật về an toàn giao thông; có ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện với người đồng hành, tận tình giúp đỡ người bị tai nạn; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; tránh để xảy ra tai nạn giao thông khi tham gia giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông gắn với liền với văn hóa doanh nghiệp, Văn hóa Dầu khí. Tổ chức các lớp tập huấn về An toàn giao thông, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông tại khối văn phòng Công ty và trên các công trường PVC-HN đang xây dựng. Bản thân mỗi CBCNV Công ty sẽ là “hạt nhân” trong gia đình mình, tuyền truyền cho người thân nâng cao văn hóa giao thông trên mỗi con đường di chuyển.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN