Nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa

"Nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam" là hội thảo do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Báo Công Thương phối hợp tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã chủ trì hội thảo.


Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam" được tổ chức lần này nằm trong chuỗi các hoạt động cụ thể theo tinh thần Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020. 

"Đây là việc làm hết sức quan trọng trong bối cảnh Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan, ban ngành liên quan đã và đang tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường", đại diện BTC cho biết.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đứng) chủ trì hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: GDP Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. GDP năm 2015 dự kiến tăng 6,5%- cao nhất tính từ năm 2011 đến nay; thu nhập bình quân năm 2015 ước đạt 2.200 USD, trong khi con số này năm 2013 mới chỉ là 1.908 USD. Như vậy, trong hai năm qua, thu nhập của người Việt Nam ước tăng 15% và kể từ khi chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2009, mức thu nhập này cũng không ngừng cải thiện, tăng gấp đôi trong 6 năm qua. Có thể nói, đây chính là điều kiện cần để tăng sức mua, trong đó có các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, bởi đại đa phần nhu cầu  thiết yếu của con người thuộc ngành hàng  này.

Tuy vậy, cùng với việc được hưởng nhiều lợi thế khi là thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết; chúng ta hiện phải đối mặt với việc ngày càng nhiều các nhà sản xuất, kinh doanh nước ngoài, các nhãn hàng với nhiều năm nổi tiếng trên toàn thế giới, trong đó có ngành hàng tiêu dùng nhanh, ồ ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa của Việt Nam. Đây thực sự là cuộc cạnh tranh rất quyết liệt, đòi hỏi các DN Việt, sản phẩm Việt phải có những quyết định, bước đi đúng đắn để tự tin chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ về "Một số giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường nội địa ngành hàng  tiêu dùng nhanh  Việt Nam" của đại diện Vụ Thị trường trong nước; "Giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh Việt Nam nhằm thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035" của đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ. Về phía mình, các doanh nghiệp cũng đã có tiếng nói rất thiết thực tại Hội thảo với các tham luận như; "Cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước để chiếm lĩnh thị trường nội địa" của TCT giấy Việt Nam; "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chế biến sữa ở TH True Milk" của TH True Milk; "Thực trạng, khó khăn của ngành hàng mì ăn liền, kiến nghị phát triển ngành hàng bền vững" của Công ty CP Acecook Việt Nam; "Phát huy truyền thống, năng động, sáng tạo để chiếm lĩnh thị trường nội địa" của Công ty CP VPP Hồng Hà; "Phấn đấu tăng trường hằng năm từ 12-15% để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu" của Công ty TNHH SX &TM Tân Quang Minh...

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, nhóm hàng tiêu dùng nhanh đóng vai trò lớn trong đời sống của người dân do được tiêu dùng hằng ngày, tần suất sử dụng cao, nhu cầu lớn. Vì vậy, lưu lượng hàng hóa tiêu dùng nhanh trên thị trường được lưu thông nhiều và đa dạng. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai liên tục và thường xuyên các hoạt động kết nối cung cầu, gắn kết thị trường giữa các vùng miền trong nước; tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối và các mô hình tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, chế biến hàng hóa sản xuất trong nước; như triển khai 10.000 điểm bán hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, truyền thông hàng Việt Nam có uy tín chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chính, xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam cố định thuộc "Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình khuyến công quốc gia... từ đó tạo ra những mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ hàng hóa, mà phần lớn là hàng tiêu dùng nhanh. Nhờ vậy, hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam đã chiếm lĩnh vững chắc trên thị trường trong nước.

Các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh những năm qua đều có mức tăng trưởng trung bình hằng năm nhanh; điều đó chứng tỏ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đã có sự bứt phá đáng kể từ đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, phát triển hệ thống phân phối trong tình hình kinh tế khó khăn những năm gần đây từ 2010-2014.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức, khó khăn đặt ra đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, như sự tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập của nước ta với các Hiệp định FTA, TPP có thuế  suất giảm về gần 0% đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ; làm cho hàng hóa từ các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới có cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Cùng với đó, khi AEC ra đời, khoảng 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% và 10% thuế còn lại sẽ về 0% trong năm 2018. Điều này đang làm dấy lên những thách thức đối với doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, trong khi các DN nước ngoài có thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm phát triển thị trường.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ phát triển thị trường nội địa ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, về phía Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đặc biệt là Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020. Theo đó, 3 nhóm chương trình chính cần tập trung là: Nhóm Chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam ổn định và bền vững; Nhóm Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho DN trong việc mở rộng, phát triển hệ thống phân phối hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam; tăng cường triển khai các cơ chế chính sách nhằm củng cố, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu phân phối lưu thông hàng hóa...

Về phía DN, cần đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt đối với hàng hóa Việt Nam; không ngừng cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản xuất, nâng cao tính đa dạng của chủng loại sản phẩm hay tính thẩm mĩ trong thiết kế bao bì, sản phẩm... Tập trung mở rộng thị trường,  nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, xúc tiến thương mại... Chú trọng các thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa bởi đây là thị trường tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ và đúng đắn...

PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN