Thanh niên Bắc Ninh sáng tạo khởi nghiệp

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và sự đồng hành của các cấp chính quyền, hiện nay, phong trào thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng đã tạo được làn sóng mạnh mẽ trong các tầng lớp thanh niên trong tỉnh Bắc Ninh. Nhờ vậy, nhiều mô hình phát triển kinh tế hay, sáng tạo xuất hiện, góp phần tạo việc làm và thu hút, tập hợp thanh niên.

Vốn đam mê công nghệ từ khi còn nhỏ, anh Chu Văn Đạo, sinh năm 1991, quê tại thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh theo hướng đi mới.

Chia sẻ về giấc mơ khởi nghiệp của mình, anh Đạo cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, với sự sáng tạo, ham học hỏi, cùng đam mê công nghệ, năm 2016, anh đã nâng cấp giàn máy xay xát gạo truyền thống của gia đình mua các thiết bị mới để xay sát gạo như máy tách chấu, máy tách thóc, máy xát trắng, máy múc... với tổng mức đầu tư 600 triệu đồng, rồi mua thóc, xát lấy gạo, xuất bán cho các đại lý.

Chú thích ảnh
Anh Chu Văn Đạo (thứ 2 từ trái), thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh giới thiệu mô hình khởi nghiệp đến các thanh niên ở địa phương.

Với sự nhạy bén, năng động, anh đi khắp nơi giới thiệu sản phẩm, nhờ vậy, thị trường của anh ngày càng mở rộng. Nhu cầu càng lớn, chất lượng sản phẩm càng phải tốt, nên bên cạnh việc thu mua thóc chất lượng cao, anh tiếp tục mua thêm máy móc để nâng cao chất lượng gạo. Đầu năm 2021, anh được biết đến nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên và được vay 700 triệu đồng và mua thêm máy tách gạo.

Theo anh Đạo, quá trình xay xát rất công phu, bắt đầu xử lý nguyên liệu đầu vào là thóc, sau đó thực hiện bóc tách, làm sạch, làm bóng sản phẩm và xử lý qua dây chuyền đóng gói sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, với mong muốn đưa sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ truyền thống của quê hương mình quảng bá cho mọi người dân trong khắp cả nước, anh đã nhập toàn bộ thóc của bà con quê hương, xay xát và xuất đi các đại lý trong khắp cả nước.

Chia sẻ về ý nghĩa nguồn vốn khởi nghiệp được tiếp cận, anh Đạo cho biết, rất nhiều thanh niên gặp khó khăn về vốn và kinh nghiệm khi khởi nghiệp. Việc tiếp cận được với nguồn vốn số lượng lớn và lãi suất thấp 5%/năm với thời hạn 5 năm, đã giúp anh yên tâm sản xuất, làm giàu chính đáng.

Đến nay, mỗi ngày, gia đình anh xay xát được 20 tấn thóc, giao bán cho các đại lý. Trừ chi phí mỗi năm mô hình của anh cho lãi 500 triệu đồng, tạo công việc ổn định cho 5 lao động với thu nhập hơn 9 triệu đồng/người/tháng.

Cũng giống như mô hình của anh Đạo, anh Nguyễn Công Trung, sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ TH Thành Đạt, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, đã nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm cho mình hướng đi mới.

Khác với nhiều người chọn khởi nghiệp theo hướng sản xuất gỗ truyền thống, nhận thấy Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp phát triển, với hàng nghìn doanh nghiệp, nhu cầu nội thất văn phòng lớn. Anh Trung đã  tìm hiểu thị trường, quyết định đầu tư mua máy móc, nhập nguyên liệu làm gỗ.

Năm 2016, với số tiền 500 triệu đồng từ gia đình và vay thêm bạn bè, anh Trung mạnh dạn mở xưởng, mua nguyên liệu sản xuất, kinh doanh. Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp anh cho biết, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa có khách hàng biết đến sản phẩm bàn, ghế, nội thất văn phòng của mình, nên anh đã gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm làm bị lỗi, đơn hàng bị hủy, vừa phải đi tiếp thị, mở rộng thị trường, tất cả đều dồn dập đến một lúc.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Công Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ TH Thành Đạt, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh kiểm tra thiết bị nội thất.

Tuy nhiên, càng khó khăn anh càng quyết tâm. Anh kiên trì, học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh, nâng cao tay nghề, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng quảng cáo trên các trang mạng xã hội zalo, facebook.... sản phẩm của anh đã dần đứng vững được trên thị trường.

Năm 2021, anh được vay vốn thanh niên khởi nghiệp với số tiền 1 tỷ đồng. Anh đã mở thêm 300 m2 nhà xưởng, nhập thêm nguyên liệu đẩy mạnh sản xuất. Nói về ý nghĩa nguồn vốn trên, anh Trung cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên anh gặp nhiều khó khăn khi nhập nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa. Khi có nguồn vốn vay, anh chủ động hơn, nhập trước nguyên liệu về kho để chủ động nguồn hàng và có thể nhận các đơn hàng lớn từ khách hàng.

Đến nay, mỗi năm anh bán được hàng nghìn sản phẩm, tạo công việc thường xuyên cho 12 lao động với mức tiền công từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mô hình của cho lãi gần 1 tỷ đồng. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư sang lĩnh vực nội thất gia đình, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đây là hai trong rất nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công của tỉnh Bắc Ninh. Các dự án khởi nghiệp tại Bắc Ninh khá đa dạng, ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Đến nay, hầu hết các dự án đều giải ngân tốt, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hàng nghìn lao động, không chỉ góp phần tạo hướng đi mới cho phát triển kinh tế mà còn giúp tập hợp thanh niên, phát triển tổ chức Đoàn ở nông thôn và các khu công nghiệp.

PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN