Phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Trong năm qua, sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền; cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, HTX, nông dân; nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chú thích ảnh
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang được nhận cúp Bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”, lọt vào top 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương và được vinh danh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì tăng trưởng khá, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản năm 2023 cơ bản đạt kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tăng trên 4,83% so với năm 2022; GRDP khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 3/11 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc; dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Duy trì, giữ vững 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và có thêm 12 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở và các cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Nhiều mô hình khuyến nông, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát huy hiệu quả, điển hình như: Đã kết nối với 08 doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mở rộng mô hình nâng giá trị sản phẩm nông sản cho nông dân. Đã tổ chức thu mua được 16.110,3 tấn sản phẩm nông sản cho các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong đó có: 13.270 tấn dưa chuột, doanh thu ước đạt trên 66 tỷ đồng; 246 tấn ngô ngọt, doanh thu 1,1 tỷ đồng; 2.003,4 tấn ngô sinh khối, doanh thu 2,1 tỷ đồng; 590,9 tấn ớt, doanh thu trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều mô hình, dự án được triển khai thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh và khuyến nông trung ương.

Hoạt động các HTX có nhiều chuyển biến tích cực, đã tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh có 444 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có 104 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP với 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên; 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 77 HTX có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển 335 trang trại, 50 tổ hợp tác đang hoạt động, sản xuất các lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản.

Công tác thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được ngành quan tâm và đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Tổ chức kiểm tra, giám sát 169 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; thẩm định hồ sơ, kiểm tra, đánh giá phân loại 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản (5 cơ sở xếp loại A, 23 cơ sở xếp loại B); xác nhận 4 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 4 cơ sở.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của các tổ chức, cá nhân; nhận thức về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm có chuyển biến tích; người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP, trong đó có: 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá).

Dự kiến hết năm 2023, có thêm 95 sản phẩm được đánh giá, phân loại OCOP lần đầu; 50 sản phẩm đánh giá lại và 11 sản phẩm nâng hạng (trong đó có 01 sản phẩm 05 sao).

Năm 2024 là năm bứt phá để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; toàn tỉnh thực hiện quyết liệt chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; nông nghiệp sẽ phải tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản sao cho các nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã); ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tăng trên 4% so với năm 2023.

Duy trì, giữ vững 74 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024.

PV
Tuyên Quang với Phong trào thi đua 'Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới'
Tuyên Quang với Phong trào thi đua 'Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới'

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2021-2025 được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện quyết liệt, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN