Lâm tặc lộng hành phá rừng đầu nguồn Yên Thế

Khu rừng đầu nguồn thuộc xã Canh Nậu, Yên Thế, Bắc Giang, có tác dụng rất quan trọng trong việc lưu trữ và điều tiết nguồn nước sản xuất cho một khu vực rộng lớn của tỉnh này, nhưng trong những năm gần đây, khu rừng liên tục bị "xẻ thịt". Hàng chục ha rừng bị đốt phá và không biết bao nhiêu cây gỗ tự nhiên có tuổi hàng chục năm bị đốn hạ. Do không được phát giác, xử lý kịp thời, nghiêm minh nên lâm tặc càng lộng hành khiến tình hình an ninh trật tự tại địa phương cũng trở nên rất phức tạp.

Ai là thủ phạm phá rừng?

Chúng tôi được một số người dân địa phương đưa đi mục sở thị một số địa điểm rừng bị lâm tặc tàn phá. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực đèo Uỷnh, đường Cộc thuộc xã Canh Nậu, khoảng 2 ha rừng vừa mới bị triệt hạ. Những đối tượng phá rừng chỉ lấy đi những cây gỗ tự nhiên có tuổi hàng chục năm, bỏ lại ngổn ngang cây con và cành lá. Ngay cạnh đó, nhiều khu rừng bị phát quang và đã được trồng thay thế bằng những cây bạch đàn, keo... Đặc biệt, tại cánh rừng tự nhiên thuộc thượng Ba Mả (như người dân gọi), trên một khoảng dài 300m từ mặt đường lên, chúng tôi đếm được hàng chục gốc cây có đường kính từ 20-35cm đang tươi rói. Khu vực này giáp giới với huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), thuộc diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn, nghiêm cấm khai thác.

Chính tại khu vực này, ngày 15/11 vừa qua, người dân nơi đây phát hiện một điểm tập kết gỗ rồi huy động hàng chục người ra bảo vệ hiện trường; đồng thời, báo lực lượng chức năng lên lập biên bản, thu giữ tang vật là 12m3 gỗ. Ngay sau đó, huyện Yên Thế cũng đã thành lập tổ liên ngành điều tra thủ phạm phá rừng, song đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Một số hộ dân ở các bản Chay, Thía, Đình (xã Canh Nậu) cho rằng "thủ phạm" phá rừng chính là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc, đơn vị được UBND tỉnh Bắc Giang giao cho 1.394ha đất rừng từ năm 2011, để thực hiện dự án đầu tư phát triển rừng bền vững tại huyện Yên Thế.

Ảnh minh họa - TTXVN


Theo họ, kể từ năm 2012 đến nay, Công ty Trường Lộc đã thuê dân phát, đốt khoảng 40ha rừng tự nhiên đầu nguồn ở khu Ba Mả thượng nguồn để trồng bạch đàn và keo. Hiện rừng tự nhiên vẫn đang bị tàn phá bằng cách chặt tỉa cây gỗ lớn đem bán lấy tiền vừa tạo rừng ót để có cớ làm hồ sơ xin cải tạo rừng nghèo kiệt.

Tuy nhiên, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Quảng, Giám đốc Dự án rừng Yên Thế của Công ty Trường Lộc lại "tố ngược" chính một số đối tượng người địa phương mới là "thủ phạm" phá rừng. Theo ông Quảng, kể từ cuối năm 2013 đến nay, một số hộ dân ở các bản Chay, Thía, Đình đã có nhiều hành vi lấn chiếm trái phép đất của dự án, chặt phá rừng, đốt nương rẫy, dọn bãi để trồng cây.

Để khẳng định lời nói của mình, ông Quảng đưa cho chúng tôi xem thông báo số 57/TB-UBND ngày 14/8 UBND huyện Yên Thế về kết luận của Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Lưu Xuân Vượng; trong đó, có đoạn nêu rõ: "Từ đầu năm đến nay, có 17 hộ gia đình, cá nhân thuộc các bản Chay, Thía và Đình đã cố tình chặt phá rừng, chiếm đất trái phép để trồng keo và bạch đàn. Ngoài ra, một số đối tượng đã tự ý san ủi đất làm đường sau đó lại ngăn chặn, bẫy chông không cho người khác đi qua. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mang tính chất có tổ chức, lôi kéo nhiều người tham gia làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương...".

Tuy nhiên, sau khi vào cuộc điều tra, xác minh, Công an huyện Yên Thế khẳng định phản ánh của Công ty là đúng sự thật, song nhấn mạnh rằng không có đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Ông Quảng bức xúc nói: "Chính việc xử lý thiếu kiên quyết nên tình trạng chặt phá rừng mới kéo dài tới tận hôm nay. Chúng tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm giải quyết triệt để tình trạng này để công ty yên tâm sản xuất". Đề cập đến 12m3 gỗ vừa mới bị thu giữ, ông Quảng cho biết: Số gỗ này là "sản phẩm" của các đối tượng lâm tặc. Việc chặt hạ số gỗ rừng tự nhiên, trong một thời gian ngắn, với số lượng lớn như vậy nhằm mục đích duy nhất là tố cáo, hạ uy tín Công ty. Từ đó cho rằng Công ty không đủ năng lực quản lý, bảo vệ để kiến nghị Nhà nước giao lại đất rừng cho người dân quản lý, bảo vệ. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra làm rõ để đưa các đối tượng phá rừng ra trước pháp luật".

Cần xử lý nghiêm minh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp đất rừng, tố cáo lẫn nhau và hủy hoại tài nguyên rừng ở khu vực bản Chay xã Canh Nậu xuất phát từ khi Công ty Trường Lộc được giao quản lý, bảo vệ, khai thác diện tích rừng nói trên. Trước đó, diện tích rừng thuộc địa bàn bản Chay được giao cho Hội cựu chiến binh xã Canh Nậu quản lý, một số khác được giao hoặc người dân tự phát đốt để lấy đất canh tác. Thời gian đầu, Công ty Trường Lộc đã tổ chức cùng cơ quan chức năng thu hồi, lập các chốt bảo vệ, cấm người dân xâm phạm vào khu vực được giao quản lý.

Gần đây, do có khó khăn trong việc tổ chức bảo vệ, Công ty Trường Lộc đã để xảy ra một số vụ vi phạm trong khu vực quản lý. Điển hình là từ năm 2011 đến đầu năm 2014, hộ ông Hà Văn Sự và Hà Văn Ước (bản Chay) đã phát đốt và trồng cây trên đất của Công ty khoảng 3,0ha; giữa tháng 6/2014, 17 hộ dân thuộc ba bản Chay, Đình và Thia) tự ý làm đường trên đất rừng và lấn chiếm hơn 6,2ha để trồng cây; hộ Đinh Văn Tuấn phá, lấn chiếm gần, 1,0ha. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm, người dân, bảo vệ của Công ty Trường Lộc còn phát hiện, bắt giữ hàng chục m3 gỗ đã bị chặt hạ, hàng chục ha rừng bị đốt, phát quang chiếm đất để trồng rừng kinh tế... Bên cạnh đó, Công ty Trường Lộc cũng nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở, phạt hành chính về việc buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trong khu vực được giao.

Trả lời về trách nhiệm của lực lượng kiểm tra, bảo vệ rừng thường xuyên đóng trên địa bàn, ông Đồng Xuân Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế cho biết, toàn bộ đất rừng trên địa bàn đã được giao cho các tổ chức và cá nhân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Thế nhưng, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng quá mỏng, làm việc thụ động, thiếu kinh nghiệm và trình độ nên không bắt được quả tang bất cứ vụ vi phạm nào khiến Cơ quan kiểm lâm rất khó khăn trong việc xử lý. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ, chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng chưa được chú ý đúng mức và kém hiệu quả. Ông Thanh khẳng định: "Quan điểm của chúng tôi là hành vi phá rừng tự nhiên phải kiên quyết xử nghiêm bất kể đối tượng đó là ai. Thời gian qua, mặc dù nhân lực chỉ có vỏn vẹn 13 người, song lực lượng kiểm lâm Yên Thế cũng đã xử lý được nhiều vụ vi phạm".

Dù thế nào đi nữa, trong vụ việc này một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Nếu không xử lý dứt điểm, để tình trạng như trên tiếp tục tái diễn, không những nguồn tài nguyên rừng tiếp tục bị tàn phá mà chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ bị vi phạm và coi nhẹ. Các cơ quan chức năng huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang cần nhanh chóng làm rõ tình trạng phá rừng và xử lý theo đúng pháp luật.


Dương Trí
Rừng thông phòng hộ Quốc lộ 14 đang bị tận diệt
Rừng thông phòng hộ Quốc lộ 14 đang bị tận diệt

Rừng thông thuộc huyện Đắc Song trước đây rất rậm rạp, xanh tươi, nay chỉ còn lại những khoảnh nhỏ đan xen với nương rẫy do người dân xâm lấn, đang bị tận diệt bằng cách đầu độc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN