Cà Mau khẩn trương khắc phục khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo

Những ngày gần đây, nông dân ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau lo lắng vì khâu tiêu thụ lúa của vụ lúa - tôm gặp nhiều khó khăn. Bởi đã xảy ra nhiều bất đồng trong cách thu mua, phân loại lúa giữa doanh nghiệp và nông dân, hợp tác xã chưa được giải quyết một cách ổn thỏa. Điều này khiến lúa của nông dân sau khi thu hoạch ùn ứ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thiệt hại của nông dân sẽ tăng theo từng ngày.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN

Trước sự việc trên, ngày 30/11, UBND tỉnh Cà Mau ban hành công văn hỏa tốc đề nghị UBND huyện Thới Bình phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm việc trực tiếp với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long, đại diện các hợp tác xã và hộ dân để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn trước mắt và lâu dài trong việc tiêu thụ lúa gạo.

Tại huyện Thới Bình, theo thống kê sơ bộ vụ lúa - tôm của huyện, đến nay đã thu hoạch sớm hơn 1.900 ha (khoảng 10% tổng diện tích lúa - tôm toàn huyện), với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Trong số này, vùng trồng lúa ST 24, ST 25 thu hoạch sớm được 970ha, tổng sản lượng hơn 6.300 tấn nhưng mới tiêu thụ thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu được gần 2.500 tấn, giá trung bình khoảng 8.000 đồng/kg.
 
Ông Trương Văn Thảo, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết, bước vào vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, gia đình ông đã xuống giống hơn 2ha lúa giống ST 25. Đến nay, tất cả diện tích lúa đã được thu hoạch, nhưng phía công ty không thu mua.
 
"Gia đình tôi bắt đầu thu hoạch lúa vào ngày 23/11. Đây cũng là thời gian ấn định của công ty và chúng tôi hoàn toàn không tự quyết định thời điểm. Thế nhưng hơn 3 ngày sau khi lúa được thu hoạch, phía công ty xuống kiểm tra thì thông báo lúa quá độ ẩm, không đủ chuẩn nên không thu mua. Giờ đây, hơn 6 tấn lúa của gia đình còn tồn đọng thì không biết tính làm sao", ông Thảo lo lắng.
 
Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Anh Khép, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho rằng, quy trình thu mua lúa của doanh nghiệp không rõ ràng khiến người dân rất bức xúc. “Họ chọn từng hạt lúa để mang đi kiểm định, sau đó chỉ thông báo ngắn gọn cho dân là lúa không đủ chuẩn, không thu mua”, ông Nguyễn Anh Khép bức xúc nói.
 
Ông Khép chia sẻ thêm, mặt bằng chung của vụ lúa năm nay là được mùa. Tuy nhiên, niềm vui được mùa chưa trọn vẹn thì lại rơi vào cảnh đầu ra gặp khó khăn, giờ đây, nông dân như ngồi trên "đống lửa".
 
Không chỉ nông dân mà chính quyền địa phương cũng đã nhận ra nhiều điểm bất hợp lý trong quá trình thẩm định thu mua, tất cả đều dựa theo "chuẩn" của công ty đưa ra. Đơn cử như thời gian đồng ý cho phép nông dân thu hoạch đến lúc nhân viên xuống kiểm tra, thẩm định chất lượng lúa. Nhiều hộ dân cho rằng, khoảng thời gian này là khá dài và đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng lúa.
 
Ông Lê Tuấn An, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bằng cho rằng, quá trình cử lực lượng đi thẩm định, thu mua lúa trong dân, phía Công ty cổ phần Lương thực A An (đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long) cần kiểm tra lại máy đo độ ẩm lúa để bảo đảm chuẩn xác nhất. “Vừa qua, tôi cùng đại diện công ty xuống kiểm tra lúa của bà con, phía bên công ty mang theo 2 máy đo độ ẩm. Qua đó, cùng một mẫu lúa nhưng cho 2 kết quả khác nhau, chênh nhau đến 6 phần độ ẩm…”, ông Lê Tuấn An thẳng thắn chia sẻ.
 
Ông Lê Văn Tây, Giám đốc Hợp tác xã Ông Đuông, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình cho rằng, bà con xã viên đều rất phối hợp và cầu thị. Nhưng sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân gọi điện cho người bên công ty xuống đo độ ẩm thì 2-3 ngày vẫn chưa thấy ai.
 
Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình nói, những ngày qua, mỗi ngày cán bộ ấp đều nhận hàng chục cuộc gọi “cầu cứu” của nông dân. “Không may, nông dân thu hoạch lúa trong những ngày mưa lớn liên tiếp, từ đó lúa bị ẩm là dễ hiểu. Rủi ro này công ty nên có sự thương lượng, chia sẻ với nông dân. Thực tế công ty lại từ chối không thu mua lúa của bà con”, ông Nguyễn Văn Lượng nêu quan điểm.
 
Khoảng 10 ngày qua, trên địa bàn các xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng, nông dân đã bước vào giai đoạn thu hoạch lúa đồng loạt. Đến thời điểm này, đã có khoảng 400ha lúa được thu hoạch xong. Do đó, lúa tồn đọng tập trung chủ yếu ở các xã này. Trung bình mỗi nơi còn từ 1.100 đến hơn 1.300 tấn lúa ST24, ST25 chưa bán được.

Tại xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng, nông dân thu hoạch lúa đúng vào thời điểm mưa nhiều khiến lúa có độ ẩm cao, không đạt tiêu chuẩn thu mua theo hợp đồng ký kết giữa Công ty cổ phần Lương thực A An và các hợp tác xã, từ đó đơn vị bao tiêu từ chối thu mua. Còn tại  xã Trí Phải, lúa thu hoạch bị ẩm quá nhiều, vượt công suất lò sấy của Công ty Kim Ngân Long nên hạn chế khả năng thu mua của đơn vị bao tiêu.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, đây là năm đầu tiên Công ty cổ phần Lương thực A An liên kết chuỗi tiêu thụ lúa tại Thới Bình trên tổng diện tích khoảng 1.000ha, chủ yếu giống ST 24, ST 25 tại địa bàn xã Tân Bằng và Biển Bạch Đông. Đến nay, đơn vị trên mới thu mua được hơn 191 tấn lúa thương phẩm trên địa bàn Biển Bạch Đông và Tân Bằng, số lượng chưa được 10% tổng sản lượng lúa nông dân đã thu hoạch sớm ở 2 xã này.
 
Trong cuộc họp bàn cách tháo gỡ cho nông dân vừa diễn ra tại UBND xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, đại diện các hợp tác xã Dân Phát, Hoà Phát (xã Biển Bạch Đông) và Ông Đuông (xã Tân Bằng) đã bảy tỏ mong muốn chính quyền và ngành chức năng mau chóng can thiệp “giải cứu” lúa tồn của nông dân, bởi nếu để lâu, tổn thất sẽ ngày càng nặng nề.
 
Trong buổi họp với người dân, ông Đỗ Trung Kiên, đại diện Công ty cổ phần Lương thực A An lý giải, việc mua lúa chậm trong dân có nhiều nguyên nhân; trong đó, có việc người dân hiểu lầm người bên công ty dẫn đến xảy ra mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, điều kiện di chuyển bằng ghe lớn ở Cà Mau qua các kênh, rạch nhỏ là hết sức khó khăn…

Ông Kiên cũng trình bày thêm, địa phương cùng các hợp tác xã và người dân vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao ở Biển Bạch Đông và Tân Bằng phải thống nhất cách thức, phương án thu hoạch, thu mua. “Chia sẻ cùng bà con, tới đây, công ty sẽ tiếp tục thu mua lúa nhưng theo phương án cụ thể: lúa đảm bảo chất lượng sẽ thu mua theo giá cũ 8.100 đồng/kg, theo thời gian đã được thể hiện trong hợp đồng. Bên cạnh đó, đối với lúa không đủ chuẩn sẽ mua theo cách tự thỏa thuận. Do đó, để thuận tiện, đại diện các hợp tác xã cần có công văn yêu cầu để trình ban lãnh đạo Tập đoàn cho ý kiến”, ông Kiên nêu quan điểm.

Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng, sự cố thiên tai không ai mong muốn nên cần có sự chia sẻ để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng thời đề xuất phía công ty tạo điều kiện tốt nhất để chia sẻ, thu múa lúa của nông dân.

Bên cạnh đó, giữa các bên cần có thoả thuận lại phần giá cả sao cho hợp lý, đảm bảo cho nông dân có điều kiện tái đầu tư vào vụ mùa kế tiếp. Phía hợp tác xã cũng cần tuyên truyền để bà con nắm rõ và cam kết thực hiện đúng hợp đồng, không để xảy ra tình trạng làm mất an ninh trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hài hoà của các bên…

“Về lâu dài, nông dân vùng lúa - tôm huyện Thới Bình cần xem đó là bài học và rút kinh nghiệm sâu sắc để có sự chuẩn bị chu đáo về sân phơi, khu vực bảo quản..., bảo đảm lúa sau thu hoạch đạt phẩm chất tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Quân chia sẻ.

Trước sự việc trên, những ngày qua lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau trực tiếp chỉ đạo UBND huyện Thới Bình rà soát, nhanh chóng có giải pháp giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo nhằm giảm thấp nhất về thiệt hại. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, những bất đồng giữa doanh nghiệp và hộ dân chưa được giải quyết kịp thời. Trong khi đó việc thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ nông sản của nông dân đang gặp nhiều khó khăn nhưng do chưa có biện pháp hỗ trợ nên đã gây bức xúc trong nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử lưu ý, về lâu dài cần phân tích rõ các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa gạo; vai trò của các hợp tác xã trong đại diện thương thảo hợp đồng, thực hiện thu mua, tiêu thụ lúa gạo tập trung và các hộ dân liên kết thực hiện nghĩa vụ liên quan; biện pháp xử lý các vấn đề bất cập liên quan đến giao thông, vận chuyển, kho bãi, lò sấy...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh đã xuống giống gần 37.740 ha lúa, đạt 105,12%. Trong khi đó diện tích sản xuất lúa tập trung chủ yếu ở huyện Thới Bình 18.978 ha, huyện U Minh 15.460 ha, huyện Trần Văn Thời 2.320 ha, huyện Cái Nước 445,7 ha và thành phố Cà Mau 535 ha. 

Tính đến ngày 30/11, toàn tỉnh thu hoạch gần 2.000 ha lúa, năng suất đạt bình quân 5 tấn/ha, chiếm 5,2% diện tích, tập trung huyện Thới Bình, Cà Mau, Trần Văn Thời, Cái Nước. Giá lúa dao động từ 5.500 - 7.000 đồng/kg (tùy thuộc vào độ ẩm), riêng lúa cắt bằng máy có giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt huyện Thới Bình có khoảng gần 2.000 ha lúa ST24, ST25 xuống giống sớm hơn lịch thời vụ khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, dẫn đến việc lúa đã chín sớm hơn lịch dự kiến 10 - 15 ngày nên khi thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn do những cơn mưa lớn cuối mùa làm lúa bị sập, đổ ngã ngấm nước ảnh hưởng năng suất và chất lượng lúa gạo.

Mặt khác, nông dân và chính quyền địa phương nơi dây chủ quan chưa chú trọng về chuẩn bị điều kiện cho thu hoạch khi gặp mưa như: nhân công, máy suốt, phương tiện phơi sấy.... nên đã bị thiệt hại khoảng 500 tấn lúa do bị ẩm giảm chất lượng, dẫn đến tiêu thụ gặp khó khăn.

Kim Há - Huỳnh Anh (TTXVN)
Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bền vững chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL
Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bền vững chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL

Sản xuất, xuất khẩu gạo đang có điều kiện thuận lợi để phát triển, tuy nhiên chi phí sản xuất cao, chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa thật sự bền vững là những bài toán cần giải quyết để nâng cao hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN