Thầy thuốc vùng cao vượt khó - Bài 2: Ngóng chờ bệnh viện mới

Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã hoạt động hơn 15 năm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, số giường bệnh không đủ, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Trụ sở bệnh viện mới được đầu tư xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nhưng chậm tiến độ chưa bàn giao để đưa vào sử dụng. Cán bộ, y bác sĩ, người bệnh phải khắc phục khó khăn, mong từng ngày được lên bệnh viện mới.


Chậm tiến độ, dân chịu khổ


Theo kế hoạch, Bệnh viện Đa khoa mới của huyện Mường Tè khởi công xây dựng từ năm 2009, đến đầu năm 2012 phải hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng đến nay, công trình này vẫn chưa xong.

 

Phòng nhỏ lại phải kê thêm giường nên bệnh nhân và người nhà đến chăm sóc sinh hoạt khó khăn, vất vả.


Ông Tống Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Tè lắc đầu, nói: “Lý do chậm thì các anh phải hỏi chính quyền, hỏi chủ đầu tư là Sở y tế”. Ông Bắc cho biết: “Tôi đã nhiều lần phản ánh và đề nghị lãnh đạo chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm bàn giao để chúng tôi chuyển lên chỗ mới bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe, quyền lợi cho nhân dân. Bệnh viện mới có nhiều hạng mục chưa hoàn thiện như: công trình xử lý rác thải, công trình cấp nước, đường giao thông, các thiết bị chưa được lắp đặt… Tôi kêu, cũng phải chờ, nói nhiều thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.


Đưa tôi đi thăm các phòng bệnh, ông Bắc nói: “Bệnh viện cũ chỉ có 30 giường bệnh nhưng phải kê lên 70 giường để có chỗ nằm cho bệnh nhân, theo quy định một phòng chỉ có 3 giường nhưng phải kê 5 giường mới đủ, có lần cao điểm có tới hơn trăm bệnh nhân nên phải nằm ghép khó khăn. Cơ sở xuống cấp, tường ẩm mốc, trần nhà thấm dột, nhiều lần phải dịch chuyển giường bệnh tránh mưa, sinh hoạt của bệnh nhân rất vất vả. Phòng làm việc của các khoa và phòng chức năng thiếu, đội ngũ y, bác sĩ trực và sinh hoạt chung đụng, chật chội. Bệnh viện chỉ có 2 phòng khám nên phải thực hiện khám ngay tại khoa, không có phòng để lưu bệnh nhân ngoài... Cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, điều trị”.


Trong căn phòng bệnh nhân rộng khoảng 10 m2 nhưng có tới 6 giường, người nhà, người bệnh chen chúc nhau, vợ chồng ông Vằng Văn Păn, 88 tuổi, dân tộc Thái ở xã Vàng San đang ăn cơm tối. Ông Păn than thở: “dân bản mình khổ lắm, xuống đây chữa bệnh, được Nhà nước cho ăn đầy đủ nhưng không có chỗ cho con cháu về chăm mình ăn, ngủ. Tôi nghĩ cũng tội nhưng đành chịu vậy”. Ông Păn nói: “Tối, bà ấy trải chiếu xuống nền để ngủ, sáng cuộn chiếu lại để lấy chỗ sinh hoạt cho mọi người. Thấy bệnh viện mới đang xây, tôi mừng lắm vì lên đó sẽ thoáng mát và rộng rãi hơn”.


Cô gái Ky Xì Lu, 21 tuổi, dân tộc La Hủ ở xã Bum Tở nằm ở bệnh viện 3 tuần, chăm sóc con gái 4 tuổi bị viêm phổi nặng. Lu chỉ lên mảng trần nhà bị nước thấm, dột nói: “Mấy ngày hôm nay mưa liên tục, nước mưa dột mọi người trong phòng nửa đêm cũng phải dậy khiêng giường đến chỗ khác”.
Bác sĩ Phạm Văn Đức công tác tại bệnh viện 10 năm, cho biết: “Trụ sở làm việc xuống cấp, không đủ phòng bệnh và phòng chuyên môn nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Chúng tôi cùng nhau khắc phục khó khăn, làm tốt việc chuyên môn và mong sớm được lên trụ sở mới.”


Đầu tư vẫn cứ sạt lở


Ông Tống Văn Bắc cho biết: “Từ khi khởi công xây dựng, trụ sở Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Tè mới đã có tới 5 lần bị sạt lở cả tà luy âm và tà luy dương. Trong tháng 8/2014, mưa kéo dài nên một khối lượng lớn đất đá sau sạt, tràn suống sau bệnh viện, vỡ cả kính cửa sổ tràn vào phòng. Điều đáng nói, trước đó UBND huyện Mường Tè đã trích 6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng chống bão lụt để đầu tư xây kè, chống sạt ở vị trí này. Kè xây, đất vẫn cứ sạt”.


Trong báo cáo tình hình thiệt hại sau mưa lũ của UBND huyện Mường Tè từ ngày 20 - 26/8/2014 có nêu sạt lở đồi phía sau Bệnh viện Đa khoa mới với khối lượng khoảng 2.50 m3, riêng khối lượng đất đá tràn vào phía sau nhà bệnh viện là 300 m3, sạt đồi với khối lượng lớn và cung sạt phạm vi rộng… Đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để huyện Mường Tè khắc phục thiệt hại.


Vậy công trình được cấp 6 tỷ đồng để xây kè chống sạt lở, tại sao vẫn sạt, có phải do thiết kế không phù hợp hay không? Quan sát thực tế, kè tại điểm sạt lở được xây dựng không vượt quá độ cao của chân đồi và không thiết kế giật cấp để chống sạt lở.


Ông Bắc nói: “Chưa đưa vào sử dụng nhưng đã có sự cố sạt tà luy dương như vậy là rất nguy hiểm, cần đầu tư để xử lý khắc phục dứt điểm, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và cán bộ, y, bác sỹ, thiết bị sau khi bệnh viện mới đưa vào hoạt động. Tôi mong lãnh đạo các cấp và Sở y tế cần đẩy nhanh thi công các hạng mục còn lại, đưa bệnh viện mới vào hoạt động, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Tè”.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

 

Bài 3: Chờ nguồn đầu tư

Thầy thuốc vùng cao vượt khó - Bài 1: Trăn trở bệnh viện tạm
Thầy thuốc vùng cao vượt khó - Bài 1: Trăn trở bệnh viện tạm

Các y bác sĩ tỉnh miền núi Lai Châu nhiều năm nay luôn nỗ lực vượt qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị... để hết lòng phục vụ đồng bào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN