Tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông

Việc tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Bắc theo Quyết định 718/QĐ - TTg đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả các địa phương và Trung ương.

 

Ngày 15/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 718/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 - 2018”. Đề án khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài của các cấp ủy, chính quyền địa phương.


Còn nhiều khó khăn


Vùng Tây Bắc hiện có trên một triệu người dân tộc Mông, sống rải rác ở khắp các tỉnh trong vùng. Bà con thường sinh sống trên núi cao, làm nương, rẫy là chủ yếu, chưa được cập nhật thường xuyên các thông tin, nhất là thông tin chính thống, dễ bị kích động, lôi kéo; ít có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ dân ở xa trường học, trạm xá và các dịch vụ phục vụ đời sống.

 

Việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018 là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.


Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, do tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương còn cao (có nơi trên 50%), có bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, nên việc tăng cường cán bộ người dân tộc Mông là những người có năng lực chuyên môn và am hiểu phong tục tập quán để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân biết cách làm ăn, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống… là công việc không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều. Trong khi đó, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn lật đổ đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Chúng thường lợi dụng các yếu tố dân tộc, tôn giáo, dân chủ và nhân quyền để chống phá. Chúng nhằm vào dân tộc Mông là điểm “đột phá” và vùng Tây Bắc là một trong những trọng điểm chống phá.


Việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018 là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào vùng Tây Bắc. Hiện nay các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu tuyên truyền lập “Vương quốc Mông”, các đối tượng cầm đầu vẫn lén lút hoạt động tuyên truyền trong đồng bào Mông về việc sẽ có một “Nhà nước Mông” được thành lập.

 

Đáng chú ý, các đối tượng cầm đầu vẫn tiếp tục móc nối, lôi kéo cán bộ, đảng viên, một số thương binh, bộ đội xuất ngũ bị cho là không được đãi ngộ thỏa đáng, hoặc có tư tưởng bất mãn, tiêu cực; một số nơi cán bộ bị chúng khống chế, thao túng. Đã phát hiện một số cán bộ thôn, bản hoạt động “hai mặt”. Mặt khác, các thế lực thù địch còn tuyên truyền kích động di cư tự do, theo đạo trái pháp luật, chống đối chính quyền, đã gây thiệt hại về kinh tế, xảy ra việc bán nhà, bán nương rẫy lén lút làm ảnh hưởng đến lao động sản xuất và đời sống của người dân.


Một số xã có tỷ lệ người dân tộc Mông nhiều nhưng số cán bộ xã, thôn, bản là người dân tộc Mông ít, trình độ, năng lực một số cán bộ dân tộc Mông còn bất cập. Một số cán bộ không phải dân tộc Mông ở xã chưa hiểu hết phong tục truyền thống của người Mông, cá biệt có cán bộ xã không nói được tiếng Mông nên khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân.


Củng cố, kiện toàn tổ chức


Theo lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, việc “củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ là người dân tộc Mông trong hệ thống chính trị các xã địa bàn trọng yếu” cần phải được làm ngay, càng sớm càng tốt để ổn định tình hình trong khu vực. Qua đó tăng cường phát triển đảng, xóa tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên và thôn, bản chưa có chi bộ, phấn đấu hoàn thành vào năm 2018.


Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, hầu hết các tỉnh đã có Đề án hoặc chương trình hành động về phát triển đảng viên và tổ chức đảng ở cơ sở. Qua quá trình theo dõi và kiểm tra việc thực hiện cho thấy, khó khăn lớn nhất là, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là địa bàn các xã thuộc địa bàn trọng yếu có nhiều đồng bào dân tộc Mông, điều kiện đi lại khó khăn, việc tìm ra đối tượng quần chúng để giúp đỡ vào đảng là rất khó khăn. Mặt khác, một số địa phương tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa phân công nhiệm vụ và gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ở thôn, bản đối với việc xóa tình trạng “trắng” chi bộ và “trắng” đảng viên ở thôn, bản.


Nhằm tạo nguồn cán bộ là người dân tộc Mông, theo Quyết định 718/ QĐ-TTg, các xã trọng yếu được hợp đồng hai nhân viên hợp đồng đối với xã có dưới 50% dân số người dân tộc Mông; ba nhân viên hợp đồng với xã có trên 50% dân số là người dân tộc Mông. Số nhân viên này không thuộc Chương trình tăng cường trí thức trẻ cho các xã thuộc 61 huyện nghèo. Đây là nội dung mới, chưa được quy định trong Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 18/4/2013 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ.


Để thực hiện được tiêu chí này, các tỉnh vùng Tây Bắc cần chỉ đạo các huyện rà soát, thống kê trên địa bàn xã các sinh viên, học viên người dân tộc Mông đã tốt nghiệp các trường có trình độ từ trung cấp trở lên, trên cơ sở đó xem xét người có nội dung đào tạo phù hợp, có lịch sử chính trị và đạo đức tốt, có nguyện vọng tham gia công tác ở xã để hợp đồng làm việc tại xã. Đối với những xã qua khảo sát không có người dân tộc Mông đã tốt nghiệp các trường từ trung cấp trở lên, có thể xem xét những thanh niên người dân tộc Mông có lịch sử chính trị và đạo đức tốt, có năng lực và sở trường tham gia công tác xã hội, các phong trào tại địa phương, có nguyện vọng tham gia làm việc tại xã để hợp đồng làm việc, sau đó có thể cho đi đào tạo để đủ trình độ và có năng lực công tác tại xã đáp ứng dần công việc được giao.

 

Luôn dành sự quan tâm đến đồng bào dân tộc

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn đến đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở địa bàn còn nhiều khó khăn như các tỉnh vùng Tây Bắc. Đến nay, nhiều chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bức tranh phát triển kinh tế - xã hội tại các thôn, bản đang từng bước thay đổi, đồng bào các dân tộc tin tưởng hơn vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, đang góp sức xây dựng quê hương thôn, bản ngày càng giàu đẹp. Thời gian tới, lãnh đạo các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống đồng bào các dân tộc. Quan tâm đến đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng. Đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu, những luận điệu sai trái của các đối tượng cực đoan, vi phạm pháp luật, kích động nhân dân chống phá đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 

Phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Trước đây, tỷ lệ đảng viên trong thanh niên nhập ngũ trên địa bàn đạt khá thấp, thậm chí có những năm không có đảng viên nào nhập ngũ. Đến năm 2009, tỉnh Hòa Bình chọn Đà Bắc làm điểm về công tác phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ. Từ thực tế đó, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và tham mưu cho Ban Thường vụ huyện ủy phát hiện, bồi dưỡng nguồn, giáo dục, rèn luyện qua thực tiễn học tập để phát triển đảng là các đoàn viên ưu tú ở xã, thị trấn. Vì vậy, từ năm 2009 đến nay, huyện Đà Bắc có 585 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, trong đó có 166 đảng viên, chiếm hơn 28%. Đặc biệt, năm 2011 và 2012, tỷ lệ đảng viên tham gia nhập ngũ chiếm hơn 30%.

Thượng tá Quách Đăng Phú, Chính trị viên
Ban Chỉ huy quân sự huyện Đà Bắc

 

Xứng đáng là hạt nhân chính trị

Được kết nạp vào Đảng năm 2009, sau thời gian làm nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi được tín nhiệm bầu vào làm công an viên tại xã. Thời gian đầu làm việc ở xã với cương vị mới, tôi còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được những người đi trước chỉ bảo cùng với tác phong được rèn luyện trong môi trường quân đội nên dần thích nghi và trưởng thành hơn trong công việc. Hiện nay, tôi và anh em ở công an xã Mường Chiềng bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân địa phương; tuyên truyền cho thanh niên trong xã tránh xa các tệ nạn xã hội...

 Anh Đinh Công Côn, dân tộc Mường,
xã Mường Chiềng huyện Đà Bắc, (Hòa Bình)

Bài và ảnh: V.T

Nữ cán bộ dân tộc Mông thuyết phục cộng đồng xóa bỏ hủ tục
Nữ cán bộ dân tộc Mông thuyết phục cộng đồng xóa bỏ hủ tục

Làm ma cho người chết lâu ngày trong nhà là một trong những hủ tục tồn tại đã lâu đời của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai, cần được xóa bỏ. Nhưng làm cách nào, bắt đầu từ đâu để dân hiểu, dân tin và làm theo là cả một bài toán khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN