Nhộn nhịp bản người Dao bên dòng Đà Giang

Từ khi hồ Sông Đà tích nước (năm 2011) phục vụ công trình thủy điện Sơn La, sông Đà đoạn qua địa phận xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên dài hơn 30 km đã mênh mông nước. Ít ai ngờ rằng, có những đoạn sông, dưới độ sâu hàng chục mét nước, trước kia là bản làng, khu chăn nuôi của bà con người dân tộc Dao… Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, họ đã chấp nhận rời xa mảnh đất đã gắn bó từ đời này qua đời khác để đến các điểm tái định cư.


Để đến được Huổi Só, chúng tôi phải vượt gần 20 km đường đèo để đến trung tâm xã Xá Nhè. Từ đây, men theo sườn núi hướng đông bắc, đi cắt dãy núi Tả Hủ Tráng bằng đường Tủa Thàng - Huổi Só, rồi vượt qua đèo Tà Si Láng hơn 10 km nữa, chúng tôi mới tới được Huổi Só - xã xa nhất của huyện Tủa Chùa.

Cầu treo Pa Phông trên con đường về các bản Pê Răng Ky, Huổi Lóng.


Ông Lý Thanh Dôn, Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: Huổi Só là xã khó khăn, có 5/9 bản nằm dọc sông Đà. Các bản này thuộc diện di vén tái định cư thủy điện Sơn La. Sông Đà tích nước đã tạo cho người dân các bản dọc sông Đà như bản Thôn 1, 2, Pê Răng Ky, Huổi Ca, Huổi Lóng có thu nhập đáng kể từ việc đánh bắt, khai thác nguồn thủy sản. Việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu và ngược lại cũng dễ dàng hơn vì lợi thế đường thủy đã được phát huy.

Thu nhập từ kéo vó bè giúp nâng cao đời sống người dân.


Con đường đất rộng, chạy dọc sông Đà mau chóng đưa chúng tôi đến bản Thôn 1, Thôn 2 - nơi có 140 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nhưng quần tụ thành các điểm, tựa lưng vào núi, soi mình dọc sông Đà. Người dân ở đây cho hay, trước đây, các hộ dân trong bản chỉ biết “trông” vào bắp ngô, hạt lúa nương trên núi, trên đồi nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nay nhờ đánh bắt tôm, cá trên lòng hồ sông Đà, kinh tế của nhiều gia đình đã khấm khá hơn trước. Nhiều hộ chung nhau đầu tư làm vó bè để khai thác thủy sản, đóng xuồng để vận chuyển hàng hóa.

Những bao thóc thu hoạch từ ruộng nương này giúp người dân không lo thiếu đói.


Sông Đà từ khi tích nước đã không còn là thác ghềnh nguy hiểm nữa, mặt sông giờ đã trở thành lòng hồ phẳng lặng, gợn sóng lăn tăn, màu nước xanh thẳm. Chúng tôi chèo xuồng gỗ, tiếp cận vó bè của anh Phàn A Hy (bản Thôn 1). Chỉ tay về phía giữa dòng, anh Hy cho biết: Trước đây, khi nước sông Đà chưa dâng, đoạn sông này chỉ là một dòng suối nhỏ chảy qua, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cả bản Pa Phông. Giờ thì tất cả đã chìm sâu dưới nước. Bến thuyền này trước là đường lên nương, về bản của bà con nên độ sâu ở đây thoai thoải, được dân bản “khai phá” làm bến cho thuyền ra, vào.


Qua câu chuyện với anh Hy, chúng tôi được biết, từ khi nước ngập, tôm cá theo dòng về nhiều. Năm 2011, gia đình anh cùng 6 hộ dân trong bản Thôn 1 đã chung nhau góp trên 10 triệu đồng làm vó bè, mua lưới đánh bắt cá. Có những đêm vó bè kéo được hơn 1 tạ cá, tôm các loại. Sau khi bán, trừ chi phí thì mỗi hộ cũng có khoảng 600.000 - 700.000 đồng. Nay, lượng cá tôm ít đi thì một đêm cũng kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. So với trồng lúa, trồng ngô thì thu nhập cao hơn nhiều. Hai bản Thôn 1, 2 đã có gần 10 vó bè của người dân được lắp đặt. Để khai thác lợi thế bản ven sông, người dân ở Thôn 1, 2 còn đóng xuồng để phục vụ công việc thả lưới, vận chuyển hàng hóa.


Ông Tẩn A Sái, Trưởng bản Thôn 1 cho biết, để đáp ứng nhu cầu đánh bắt, đi lại, vận chuyển hàng hóa trên sông, ở Thôn 1 và Thôn 2 người dân bản đã đóng 60 - 70 xuồng sắt, còn xuồng tay (bằng gỗ) thì cũng gần 100 chiếc.


Mang dáng dấp của một “thương cảng” sầm uất, trên bến dưới thuyền, bến sông bản Huổi Lóng trở thành một lợi thế để 98 hộ dân của bản tái định cư nơi đây phát triển kinh tế thủy sản, khai thác đường sông, trao đổi, mua bán hàng hóa với các vùng lân cận như Quỳnh Nhai (Sơn La), Sìn Hồ (Lai Châu)… vươn lên thoát nghèo.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn 3 gian rộng rãi, đầy đủ những vật dụng như ti vi, tủ lạnh, chủ nhà Lý A Hi (bản Huổi Lóng) vui vẻ: “Về bản tái định cư, được Nhà nước hỗ trợ tiền, cuộc sống của gia đình mình đã khá hơn nhiều. Nhờ vào việc đánh bắt tôm cá trên sông Đà mà kinh tế gia đình vững vàng hơn. Mình đã mua chiếc xuồng sắt 30 triệu đồng, tiện lợi cho việc đánh bắt tôm trên sông Đà”.


Thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, sau nhiều năm về sinh cơ lập nghiệp, cuộc sống của hơn 90 hộ dân nơi đây giờ đã ổn định. So với cuộc sống trước kia ở bản cũ, điều kiện nơi đây thuận lợi hơn nhiều. Bản làng có điện, có đường giao thông thuận tiện, có trường học nên các cháu đi học cũng dễ dàng hơn. Giờ có thêm chợ phiên (họp 4 lần/tháng), bà con nơi đây càng thêm thuận lợi.


Mặt trời ngả bóng, bến sông Huổi Lóng đã nhộn nhịp, sôi động. Hàng chục chiếc xuồng nằm gối bãi, dập dềnh theo sóng nước. Mọi người tất bật với công việc của mình. Đàn ông, thanh niên trai tráng mang “mồi” (thức ăn nhử cá, tôm) ra vó bè chuẩn bị cho một đêm đánh bắt thủy sản, một số người mang nhiên liệu, quét dọn xuồng sạch sẽ chuẩn bị cho chuyến đi xa. Đàn bà con gái thì cặm cụi với việc vá lưới. Trẻ con nô đùa giỡn nước, tiếng cười vang khắp bến sông. Nhiều chiếc xuồng chở sắn, ngô cũng vừa cập bến. Phía xa mạn bờ bên kia là những chiếc xuồng còn mới màu sơn, hối hả nối đuôi nhau chở hàng xuôi về phía Sín Chải (Tủa Chùa), Nậm Mạ (Lai Châu), tiếng máy nổ giòn vọng đều vào vách núi.


Bài và ảnh:Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN