Đào tạo nghề cho lao động miền núi

Nghịch lý trong dạy nghề ở miền núi

Trong những năm qua, sự cần thiết của việc đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc miền núi gắn với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, đang đặt ra cho vùng Tây Bắc một áp lực lớn. Việc chọn nghề phù hợp dạy cho đồng bào dân tộc thiểu số đã khó, khi học xong để người dân áp dụng vào thực tiễn phát triển sản xuất, có việc làm tăng thu nhập lại càng khó hơn.

Nhiều bất cập

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số của Hội đồng dân tộc của Quốc hội thì lao động dân tộc thiểu số (DTTS) được đào tạo chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất dưới 3 tháng. Đặc biệt, thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên đối với người học nghề là đồng bào DTTS. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, Đề án 1956 chưa hướng dẫn và lồng ghép với các chính sách, các chương trình khác.

Thực tế, đồng bào DTTS miền núi chỉ quen làm nghề nông nghiệp, chăn nuôi, đan lát, trồng bông dệt vải nhưng để đảm bảo cơ cấu ngành nghề ở địa phương, chính quyền đưa nghề phi nông nghiệp vào dạy như: Xây dựng, điện dân dụng, sửa chữa xe máy… Việc này đã không mang lại hiệu quả, mà còn tốn kém kinh phí đào tạo. Ông Mào Văn Đợi, Trưởng bản Chi Luông 1, phường Na Lay, thị xã Mường Lay (Điện Biên) than thở: “Tái định cư thủy điện, nhân dân không có ruộng, khi chuyển đổi nghề thì chính quyền tổ chức dạy nghề xây dựng, điện dân dụng, sửa chữa xe máy thì không phù hợp. Người nông dân bao đời làm nông nghiệp, bảo dân đi xây, làm điện thì sao mà làm được. Người dân các bản học sửa xe máy nhưng về lấy vốn đâu mà mở hiệu, mà một bản có tới cả chục hiệu sửa xe thì liệu lấy xe đâu ra mà sửa”.

Vẫn thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên đối với người học nghề là đồng bào dân tộc thiếu số. Ảnh: Việt Hoàng

Theo ông Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Ban quản lý dự án di dân thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay (Điện Biên), chính sách của Nhà nước cũng có nhiều bất cập. Khoản 1, Điều 27, Quyết định 02-QĐ/CP, tháng 1/2007 của Chính phủ quy định: Lao động nông nghiệp sau khi tái định cư, chuyển sang phi nông nghiệp mới được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề. Mặt khác, theo quy định một lao động nông nghiệp chuyển đổi sang phi nông nghiệp thì được cấp kinh phí 5 triệu đồng, mức hỗ trợ này là quá thấp, không đủ để người dân mua công cụ lao động thì làm sao thay đổi được. Như vậy, để được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề cho bà con theo đúng quy định và dựa trên cơ cấu giữa nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, các địa phương cũng đành “tặc lưỡi” đưa nghề phi nông nghiệp vào dạy. Trong khi đó, người dân cũng chẳng biết học những nghề đó để làm gì.

Anh Nguyễn Ngọc Tiến, giáo viên phụ trách đào tạo của Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: “Năm 2013, chúng tôi mở lớp dạy nghề ngắn hạn 2 tháng “nuôi cá lồng rô phi đơn tính” cho 30 người ở bản Hua Than, xã Phúc Than. Giờ ra chơi, trưởng bản và mọi người đến gặp riêng cán bộ đứng lớp tha thiết yêu cầu được học kỹ thuật trồng cây thảo quả. Vì ở nhiều nơi, bà con nhờ trồng cây thảo quả mà đã thoát nghèo, gia đình khá giả. Do điều kiện rừng cây thảo quả trồng ở xa, không thể đi thực tế được nên Trung tâm không mở lớp theo yêu cầu của bà con. Vấn đề đáng quan tâm là khi bà con học nghề xong, đầu tư vốn và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nhưng sợ sản phẩm làm ra không bao tiêu được, nếu có thì bị ép giá. Đây không chỉ là nỗi lo của những người trực tiếp đứng lớp mà là nỗi lo chung của nhân dân miền núi”.

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi tham gia giám sát ở các địa phương cũng cho rằng, một số quy định, định mức về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động DTTS trong Đề án 1956 chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương: Các quy định về mức chi hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại quá thấp và bất cập về cự ly từ nơi cư trú đến cơ sở đào tạo nghề. Cụ thể là quy định và định mức vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm không thực hiện được. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, huy động xã hội hóa về dạy nghề tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề còn nhiều bất cập về chính sách giao đất, thuê đất, ưu đãi về tín dụng, về thuế thu nhập... Người dân tham gia học nghề đa phần là các hộ nghèo, nhiều người đã vay tiền của ngân hàng, sau khi học xong, bà con muốn phát triển sản xuất là rất khó, vì nợ cũ chưa trả nên không vay được nguồn vốn để đầu tư.

Tại Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Than Uyên (Lai Châu) đang có lớp Trung cấp điện do trường cao đẳng nghề Phú Thọ liên kết đào tạo 2 năm. Các em theo học không phải đóng học phí, được bố trí chỗ ở, tự túc ăn uống. Khi được hỏi các em học điện ra trường sẽ làm gì? Các em lắc đầu, trả lời: Không biết.

Nâng cao ý thức người dân

Bên cạnh những bất cập khi thực hiện đào tạo nghề ở miền núi thì ý thức của người dân khi tham gia học nghề, làm việc sau khi học xong cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác này không cao.

Ông Đinh Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: Nếu muốn công tác dạy nghề mang lại kết quả tốt thì cần làm thay đổi nhận thức của bà con dân tộc thiểu số. Vì tâm lý của người dân còn ỷ lại, trông chờ, không muốn thoát nghèo để được hưởng các khoản hỗ trợ của Nhà nước. Theo Đề án 1956 của Chính phủ là hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho mỗi một lao động, người dân tham gia học không phải đóng góp gì và được một ngày hỗ trợ 15.000 đồng, sách vở và dụng cụ học được cấp. Bà con dân tộc đi học nhưng chưa xác định học để làm gì mà mới chỉ có ý thức đi học để được hưởng chế độ. Để hiệu quả đào tạo nghề có tính lan tỏa thì cần tổ chức học tập trung, có mô hình quy mô, không đào tạo tràn lan. Chỉ cần mở một lớp mà hiệu quả thì mọi người sẽ học theo và nhân rộng mô hình làm hay, làm giỏi.

”Trung tâm mở các lớp dạy nghề nông nghiệp, chăn nuôi thì bà con biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi nhưng lớp mang tính đột phá trồng cây gì, nuôi con gì thì chưa có. Các lớp dạy nghề phi nông nghiệp có nhưng ít, đào tạo xong không được phát huy. Bà con được đào tạo nghề xây dựng, bố trí việc làm ở các doanh nghiệp nhưng lao động DTTS không hòa nhập được do thiếu tác phong công nghiệp. Người dân tộc vẫn còn tâm lý hôm nay làm, mai không có việc là nghỉ, muốn có ”tiền tươi” để ăn tiêu, trong khi đó các doanh nghiệp thì trả lương theo từng quí. Mặc dù Trung tâm đã liên hệ cho rất nhiều lao động vào làm ở các công trường thủy điện trên địa bàn tỉnh nhưng vì xa nhà, làm chưa được nhận tiền họ đã tự ý bỏ việc”, ông Đinh Trung Hiếu cho biết thêm.

Trước tình trạng này, các cấp các ngành cần quan tâm đầu tư cơ sở đào tạo nghề, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc giải quyết những bất cập và tăng cường tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức cho người dân. Cần xác định trọng tâm tuyên truyền, vận động; nội dung, phương thức tuyên truyền phải rõ ràng phù hợp đối tượng lao động DTTS. Tăng cường hoạt động quảng bá, tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm cho người dân, công tác tuyển sinh gắn với cơ hội tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số nội dung, chương trình đào tạo nghề hạn chế học lý thuyết, tăng tiết giờ thực hành mang tính cầm tay chỉ việc, phù hợp với trình độ nhận thức của lao động DTTS.

Viết Tôn – Việt Hoàng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN