Cây trúc mở lối ấm no cho đồng bào

Con đường dẫn vào trung tâm xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng dường như chật chội hơn bởi những đám trúc của bà con trong xã và những đoàn xe vào thu mua.

 Tất bật bên khóm trúc của gia đình chuẩn bị chuyển ra xe cho thương lái, anh Mã Văn Tình, ở xóm Lũng Pán cho biết: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã bán được hai xe trúc cho Hợp tác xã Bản Ngà. Họ vào tận nơi thu mua, bình quân bán theo xe, trọng lượng 1,5 tấn là 7 - 8 triệu đồng/xe, còn bán theo cây khoảng 20.000 - 40.000 đồng.

Nhờ cây trúc, 90% hộ dân ở xã Huy Giáp xây được nhà cửa khang trang.


Năm 2012, từ nguồn vốn Chương trình 135 và 30a gia đình anh Tình được hỗ trợ 10.000 đồng/gốc trúc để trồng. Đến nay, gần 1 ha trúc của gia đình anh Tình đã cho thu hoạch vụ thứ hai. Anh Tình phấn khởi: “Rõ ràng, việc thay thế một số loại cây nương rẫy bằng cây trúc đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi giờ đã ổn định”.

Ông Mã Xuân Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Huy Giáp cho biết: Cây trúc đã có mặt ở đất Huy Giáp từ lâu, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây khá thuận lợi cho việc phát triển cây trúc, vì loại cây này không phải mất nhiều công chăm sóc. Nhưng những năm trước, nhận thức của bà con về việc phát triển cây trúc theo hướng hàng hóa còn chưa đầy đủ. Từ khi có các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, xã quyết định đưa cây cây trúc vào trồng. Đến nay, diện tích cây trúc của xã Huy Giáp đã tăng lên 1.020 ha.

“Khoảng năm 2000, khi tỉnh triển khai Dự án phát triển cây trúc, người dân mới bắt đầu hưởng ứng làm theo. UBND xã Huy Giáp huy động bà con tham gia trồng trúc theo dự án. Người dân được Nhà nước hỗ trợ 80% tiền giống và được trả công trồng và chăm sóc”, ông Mã Xuân Hoàn nhớ lại.

Cây trúc đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.


Quả không khó khi nhận thấy diện tích cây trúc đang tăng nhanh ở xã Huy Giáp, đồng bào đã nhận thức rõ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa và đã đem lại những lợi ích thiết thực. Tính bình quân, mỗi ha trúc đem lại cho đồng bào khoảng 20 triệu/năm, cao và ổn định hơn so với nuôi, trồng các loại cây, con khác, nên đồng bào chọn trồng trúc là điều dễ hiểu. Những khu vườn, đất đồi hoang hóa ngày nào đã dần được thay thế bằng những vườn trúc xanh tươi. Hiện nay, nhiều xóm ở Huy Giáp đã và đang phát triển rất tốt diện tích cây trúc như: Phiêng Pản, Lũng Cắm, Lũng Pán, Pắc Lũng…

Ba năm trở lại đây, bình quân số trúc ở Huy Giáp bán ra thị trường khoảng 500 xe ô tô trúc, thu về khoảng 3,5 tỉ đồng. Nhà trồng ít cũng gần 1 ha, nhà trồng nhiều tới cả chục ha. Thu nhập từ trúc đang đem lại cuộc sống tốt hơn cho đồng bào các dân tộc ở Huy Giáp. Điển hình như gia đình ông Đặng Phu Lìn, xóm Nặm Cốp. Nhận trồng hơn 20 ha trúc từ nhiều năm nay, bình quân mỗi năm ông bán được khoảng 30 xe trúc, thu về ngót 60 triệu đồng. Có tiền ông Lìn đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Ông Lìn trở thành một trong những cá nhân giàu lên từ cây trúc ở xã Huy Giáp.

Nhờ thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống nhân dân trong xã Huy Giáp được cải thiện đáng kể. Đến nay, 90% số hộ đã làm được nhà cửa khang trang; số hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Có được kết quả đáng khích lệ trên đây, ngoài nỗ lực vượt khó của đồng bào là một chủ trương đúng đắn của huyện Bảo Lạc, xã Huy Giáp trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở lối ấm no cho đồng bào các dân tộc.

Bài và ảnh: Minh Thu
Cây trúc sào xóa đói giảm nghèo
Cây trúc sào xóa đói giảm nghèo

Với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, từ năm 2002, tỉnh Cao Bằng đã triển khai trồng cây trúc sào để tăng thêm thu nhập, tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN