Bí hiểm chuyện dê “giảm nghèo” chết yểu

Là “cần câu” để giảm nghèo, hàng trăm con dê đã được cấp cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản thuộc hai xã Dào San và Pa Vây Sử của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu theo nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Thế nhưng, người dân chưa nhận nuôi được bao lâu thì nhiều dê đã “lăn” ra chết.

 


Dê cấp từ chiều, đến tối đã chết


Tháng 10/2013, 10 hộ gia đình dân tộc Mông, bản Ngài Thầu, xã Ba Vây Sử, huyện Phong Thổ được cấp 30 con dê từ vốn của Ngân hàng Thế giới. Có dê để nuôi, bà con vui mừng lắm. Ai cũng hy vọng những con dê này sẽ sinh trưởng tốt, nhân lên nhiều đàn; thế nhưng chưa được bao lâu thì dê cứ theo nhau chết dần. Hiện tại, cả bản chỉ còn 7 con dê.

 

Những con dê được hỗ trợ còn sót lại.

 


Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Ngài Thầu cho biết: “Đa số dê chết khi người dân trong bản mới nhận về được 3 - 4 ngày hoặc một tháng. Thậm chí, có gia đình được cấp lúc 5 giờ chiều, đến 12 giờ đêm thì dê đã chết”.


Cách bản Ngài Thầu không xa, 11 hộ dân bản Xin Chải cũng được cấp hơn 30 con dê, nay cũng chỉ còn 10 con. Ông Hầu A Chảo, Trưởng bản nói: “Dê được mua ở dưới địa phương khác lên. Lúc chuyển về đây, một số con đã bị chết ở trên xe rồi”.


Theo UBND xã Pa Vây Sử, toàn xã có trên 30 hộ được cấp gần 90 con dê giống cho các nhóm hộ cùng sở thích do Ban Phát triển xã làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện Phong Thổ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các xã thành lập các tiểu dự án giảm nghèo và theo dõi hiệu quả của các chương trình này. Cụ thể, dê được cấp cho hộ dân ở 3 bản Khu Chu Lìn, Xin Chải và Ngài Thầu. Tổng số tiền đầu tư khoảng 140 triệu. Loại dê giống này chủ yếu được thu gom ở huyện Tân Uyên do một đơn vị ở thành phố Lai Châu cung ứng.


Không chỉ riêng các bản ở xã Pa Vây Sử mà tại khu vực xã biên giới Dào San (huyện Phong Thổ), dê giảm nghèo cũng chết sau 4 - 5 ngày nhập chuồng. Xã Dào San được cấp gần 450 con cho gần 150 hộ gia đình với tổng số vốn thực hiện là gần 1,1 tỷ đồng. Qua tìm hiểu của phóng viên, số dê trên đã chết rất nhiều. Đơn cử, bản Sểnh Sảng A được cấp 33 con dê nay chỉ còn 4; bản Cao Sín Chải được cấp 66 con nay còn lại 3 con… Theo ông Thào A Phử, Trưởng bản Cao Sín Chải thì có những con khi mang về dọc đường đã chết, số còn lại sau một, hai hôm đến một tuần thì chết. Chủ yếu bị các bệnh như mắt, mũi và khớp.


Dê chết là do…  người dân!?


Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử, kiêm Trưởng Ban phát triển xã Nguyễn Văn Dân khẳng định: “Dê chết là do lạnh quá, thời tiết khắc nghiệt không phù hợp với nuôi dê. Hơn nữa là mưa nhiều, dê ăn cỏ ướt bị tiêu chảy chết”. Ông Dân còn cho biết ở huyện Tân Uyên, dê ăn cỏ nhưng khi lên xã Pa Vây Sử lại không có cỏ; do phải ăn những thức ăn không hợp, bị nóng nên mồm dê toạc ra, không ăn được dẫn đến chết chứ không phải do bệnh. Nói đến lý do tại sao tỷ lệ dê cấp bị mù cao, ông Dân giải thích: “mù đấy là do nó húc nhau chứ không phải bị bệnh”.


Ông Nguyễn Văn Dân, cũng đổ vạ: “Đa số những nhà có dê chết là do nhà đó có người nghiện. Một số đem đi bán song bảo chết. Xã mình nhiều hộ nghiện, phải 20 - 30% nghiện. Hộ nghiện thường nghèo mà không cấp dê cho thì rắc rối lắm”.


Thực tế dê chết nhiều ở xã Dào San là vậy nhưng ông Phó Chủ tịch UBND xã Phàn A Long lại thông tin rằng toàn xã chỉ chết khoảng 60 con(?). Ông Lê Hữu Hồng, Phó Ban quản lý dự án giảm nghèo huyện Phong Thổ cũng nhận định: “Do trời rét và vận chuyển xa khiến dê chết”.


Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dê của dự án giảm nghèo bị chết đã được các vị lãnh đạo đưa ra. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng còn nhiều điều bất hợp lý, cần điều tra làm rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền và đơn vị cung ứng giống. Bởi lẽ theo phản ánh từ nhiều người dân và các trưởng bản, khi mang dê về đến xã, người dân đã phát hiện có một số con chết trên xe. Ngoài ra, khi mang về bà con cũng thấy có hiện tượng dê bị ho, đau mắt, chảy nước mũi… Đây là những dấu hiệu của mầm bệnh.


Bài và ảnh: Duy Trần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN