Mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng (phần I)

Việc xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một vấn đề hệ trọng vào loại bậc nhất của Đảng và nhân dân ta.

Trước đổi mới, nước ta tiếp thu và vận dụng theo mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết. Từ cuối năm 1988, công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa và Đông Âu ngày càng khó khăn. Cuối năm 1990, đầu năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sụp đổ; Liên Xô cũng đang khủng hoảng trầm trọng, bên bờ sụp đổ; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới bị tấn công dữ dội; làm cho nhiều đảng cộng sản và công nhân mất phương hướng. Ở trong nước, công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu bước đầu, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đã hoang mang, dao động, hoài nghi vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhân cơ hội đó, các phần tử xấu tung ra các luận điệu sai trái, phản động, đòi xét lại quá khứ và những thành tựu của cách mạng, công kích sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi “đa nguyên, đa đảng”, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Vào thời điểm đó, Đảng ta đang soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và xuất hiện những loại ý kiến khác nhau. Một trong các vấn đề đặt ra là có xác định được mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng không? Tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa VI) - Hội nghị thảo luận dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng căn cứ vào những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội VI và thực tiễn đổi mới xã hội ta trong hơn 3 năm qua, chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là điều có thể làm được. Sau này, khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước” (1).

Với trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991). Cương lĩnh năm 1991 đã phác họa mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng:

“- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới” (2).

Kể từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra được nhận thức và giải quyết qua các nhiệm kỳ đại hội. Đại hội X của Đảng (năm 2006) trên cơ sở tổng kết lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới đất nước, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 đã xác định rõ hơn mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Đại hội X xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến; đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới” (3). Đồng thời, Đại hội cũng chỉ rõ: “Sau Đại hội X, Đảng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội” (4).

Đại hội XI đã tiến hành tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991. Đại hội khẳng định: “Qua tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị định hướng chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh đối với công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần tiếp tục được giải đáp” (5). Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Sau đây gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” (6).

So với Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) có một số điểm mới sau đây:

1- Thêm 2 đặc trưng: Đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Hai đặc trưng này Đại hội X đã bổ sung. Điểm mới so với Đại hội X là chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng" trong đặc trưng bao trùm, tổng quát, bởi các lý do sau: Một là, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh. Không thực hiện dân chủ thì không thể nói đến công bằng, văn minh. Dân chủ được thực hiện rộng rãi, càng có điều kiện để thực hiện công bằng, văn minh. Hai là, dân chủ là ước vọng của loài người, mong muốn dân chủ ngày càng được mở rộng và thực hiện trong thực tế cuộc sống. Ba là, chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao dân chủ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là một hệ thống quan điểm sâu sắc, rõ ràng. Người nhấn mạnh, dân làm chủ, dân là chủ; dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết thành công mọi vấn đề; dân chủ là của quý... Bốn là, xuất phát từ thực trạng dân chủ trong Đảng và trong xã hội ta, bên cạnh những thành tựu, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Năm là, các thế lực thù địch tiếp tục vu khống, tố cáo chúng ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp v.v... Nói gọn lại, việc chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng” không chỉ đơn giản về mặt kỹ thuật mà thực chất là cần xây dựng xã hội dân chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Việc bổ sung đặc trưng “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo” cũng rất cần thiết và đúng đắn. Nhà nước pháp quyền và một giá trị tư tưởng được tích lũy trong lịch sử nhân loại. Sự hình thành của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền luôn gắn liền với tư tưởng phát triển dân chủ, loại trừ chuyên quyền, độc đoán, vô chính phủ, vô pháp luật... ở nước ta, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền cũng đã xuất hiện từ lâu, thể hiện đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa dùng khái niệm “Nhà nước pháp quyền” nhưng tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền đã rất rõ. Trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được Đảng ta sử dụng tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII. Từ đó được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được định hình và thực hiện trong thực tế.

(Còn nữa)

PGS.TS Nguyễn Viết Thông
, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, t.50, Nxb CTQG, 2007, tr.178.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb ST, HN, 1991, tr.8-9.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, HN, 2006, tr.68.
(4) Sđd, tr.72-73.

Mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng (phần cuối)

Xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “do nhân dân làm chủ” chứ không chỉ là “do nhân dân lao động làm chủ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN