Xác định cụ thể hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra

Sáng 31/10, dưới sự điều hành của phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát giải trình thêm một số vấn đề. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


*Đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ

Qua thảo luận, các đại biểu thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Hầu hết ý kiến các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là chỉ đạo, điều hành sâu sát, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh trung thực, khách quan về bức tranh kinh tế - xã hội hiện nay, từ đó xác định cụ thể, chính xác và khả thi các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Các ý kiến tán thành với những kết quả đã đạt được trong an sinh xã hội; hệ thống chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện.

Cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt trên một số ngành, lĩnh vực như ngành thuế, hải quan, xây dựng, đầu tư; cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được người dân đánh giá cao.

Đặc biệt, năm 2014 công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được tập trung thực hiện; nhiều đạo luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách tư pháp đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Cũng tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đề nghị cần bổ sung thêm một số nội dung đã làm tốt trong năm 2014 vào Báo cáo của Chính phủ. Đó là đó là năng lực dự báo sau nhiều năm bị kêu ca là chưa sát thì năm 2014 đã được nâng lên một bước thể hiện qua việc đạt được đa phần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (13/14 chỉ tiêu).

Công tác giải phóng mặt bằng đã đạt được những kết quả nhất định; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được triển khai có hiệu quả; đảm bảo giá trị của đồng nội địa...

* Quyết liệt triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp


Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng nay đã thể hiện sự thống nhất, đồng tình cao với 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong triển khai nhiệm vụ năm 2015, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Giải trình về các nội dung đại biểu Quốc hội đã nêu trong hai phiên thảo luận ngày 30 và sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được như xuất khẩu tăng 13% so vời cùng kỳ năm 2013, xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí nhưng nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp căn cơ là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nhiều giải pháp.

Ngoài xây dựng biện pháp tổng thể thì Bộ đang xây dựng và quyết liệt thực hiện 16 đề án trong đó 6 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu các lĩnh vực trồng chọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản… và 6 đề án cụ thể các giải pháp để thực hiện các chủ trương này, đó là về tái cơ cẩu đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách pháp luật, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực…

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở đồng bằng sông Cưu Long, phát triển thủy sản…

Bộ trưởng nhấn mạnh Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các nghị định để khuyến khích bảo vệ rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.…

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá các địa phương đã tích cực triển khai và đến thời gian này đã xây dựng và có kế hoạch triển khai chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp; lựa chọn một số nhiệm vụ ưu tiên để tập trung triển khai và đã có những kết quả cụ thể. Tuy nhiên theo Bộ trưởng những kết quả trên là bước đầu, để triển khai hiệu quả hơn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành, địa phương; cần bổ sung thêm các nguồn lực để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

* Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra

Thảo luận về nội dung phòng chống tham nhũng, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, trong thời gian qua với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên theo công bố mới nhất của Tổ chức minh bạch Thế giới, thì chỉ số mức độ tham nhũng của công ở Việt Nam xếp thứ 116/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Qua đó, cho thấy mức độ tham nhũng khu vực công của Việt Nam còn rất nghiêm trọng. Đại biểu đánh giá báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, nhất là tham nhũng trong lĩnh vực công do căn bệnh hoành tráng, thèm ngân sách gây ra.

Đại biểu Lê Như Tiến bức xúc dẫn chứng nhiều công trình, dự án tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng song hiệu quả và công năng sử dụng rất khiêm tốn, thập chí có những công trình do “đẻ non, chín ép nên vừa khai trương đã khai tử”, bỏ hoang hóa, xuống cấp, sử dụng không đúng mục đích; người dân không được thụ hưởng như thuyết trình ban đầu các chủ dự án nêu ra đó là để phục vụ dân sinh….

Đại biểu cũng nêu lên thực trạng của việc sử dụng nhà công vụ, biệt thự công hiện nay, đã có những trường hợp biến nhà công vụ thành nhà tư vụ, tạo sự không công bằng giữa các cán bộ quản lý ở Trung ương và địa phương.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Như Tiến kiến nghị, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, y, bác sỹ, lực lượng vũ trang và những người được điều động luân chuyển hay tự nguyện đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Song song với những chế tài khiêm khắc như cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính cần có cơ chế xử lý hình sự đối với những người chiếm đoạt tài sản công, trong đó có chiếm đoạt nhà công vụ.

Về vấn đề này, Chính phủ xác định rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Công khai minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường kiểm tra thanh tra chế độ công chức công vụ. Thực hiện đúng quy định về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản.

Tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin truyền thông và nhân dân trong phòng chống tham nhũng, lãng phí…

*Cần triển khai hiệu quả các chính sách đã có

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ đã ổn định được kinh tế vĩ mô, bước đầu kiềm chế được lạm phát, giữ được tăng trưởng hợp lý năm sau cao hơn năm trước, lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đại biểu đánh giá đây là tiền đề để thực hiện các mục tiêu dài hơi, từng bước tháo gỡ được những khó khăn trong kinh doanh. Chúng ta đã từng bước thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược: hạ tầng giao thông được cải thiện; điện lưới quốc gia cơ bản đã phủ đến các vùng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Tuy nhiên, đại biểu đánh giá tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và vấn đề nợ công vẫn là mối quan tâm của dư luận xã hội.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng đề nghị Chính phủ tiếp tục các giải pháp hiệu quả hơn trong việc kích thích tăng trưởng, chủ động kết nối giữa các doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời có tích lũy để cải thiện tình hình nợ công.

Quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công cả trong đầu tư phát triển và chi thường xuyên, ưu tiên nguồn lực cho các ngành trọng yếu về hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, đổi mới khoa học công nghệ để có động lực để phát triển, đổi mới chi tiêu trong dịch vụ công theo hướng cân đối dự trữ trên sản phẩm đầu ra, thắt chặt chi tiêu thường xuyên…

Ông La Ngọc Thoáng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Bên cạnh ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2014, đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) vẫn băn khăn về tổng cầu thấp sẽ làm khó khăn cho tăng trưởng, thâm hụt ngân sách còn lớn; kinh tế phát triển chậm; nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn cao; thu ngân sách tăng chậm...

Từ những lo lắng này, đại biểu La Ngọc Thoáng đề nghị Chính phủ cần có chính sách quyết liệt, đồng bộ hơn, phải đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả giữa các chính sách vĩ mô đặc biệt là hai chính sách tài khóa và tiền tệ. Đại biểu nhấn mạnh thực tiễn cho thấy nền kinh tế khó có thể phục hồi nếu chỉ dựa vào một chính sách mà không có cách chính sách đồng bộ khác.

Bên cạnh đó, đại biều đề nghị Chính phủ cần xây dựng các giải pháp chiến lược dài hạn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu ổn định và phát triển bền vững; cần các giải pháp hỗ trợ để tăng tổng cầu nhất là tổng cầu đầu tư. Trong đầu tư công cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ nhất là đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi, nhóm ngành nông nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Đại biểu đề xuất thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân và nỗ lực thực hiện cắt giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là các chi phí liên quan tới thủ tục hành chính; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đạt được các mục tiêu đã được xác định.

Cơ bản tán thành với những giải pháp đã và đang triển khai trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng trong năm 2015 không cần tìm những giải pháp đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội mà cần triển khai hiệu quả các chính sách đã có. Đại biểu nhấn mạnh hiện chúng ta đã có nhiều chính sách nhưng chưa đủ thời gian để đưa chính sách vào cuộc sống.

*Tăng cường quản lý nợ công

Thảo luận về vấn đề nợ công, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, qua các báo cáo cho thấy, nhiều đại biểu chưa yên tâm về tình hình nợ công mặc dù Chính phủ đảm bảo rằng, nợ công vẫn nằm dưới ngưỡng an toàn và trong giới hạn Quốc hội cho phép. Hiện, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp, nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để giữ cho nợ công không vượt qua ngưỡng an toàn.

Báo cáo của Chính phủ đưa ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong quản lý nợ công và đề ra các giải pháp cụ thể để tăng cường quản lý nợ công trong thời gian tới.

Đại biểu cho rằng, những giải pháp của Chính phủ là tương đối toàn diện, đầy đủ, chi tiết và cần phải đặt niềm tin vào quyết tâm, trách nhiệm của Chính phủ; Quốc hội cần đồng cảm, chia sẻ và cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ cũng như các ngành trong việc giải quyết bài toán nợ công, cũng như có trách nhiệm giám sát việc quản lý, sử dụng vốn vay, vốn huy động hợp lý, không gây thất thoát.

“Cái lõi quan trọng nhất của nợ công không phải là cao bao nhiêu, nhiều bao nhiêu, mà sử dụng vốn đó như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, không để thất thoát, gây lãng phí”- đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh .

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng đối với một quốc gia với xuất phát điểm nền kinh tế thấp, hệ thống hạ tầng yếu kém như nước ta cộng với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới thì nợ công tăng nhanh và khó khăn về nguồn trả nợ là điều khó tránh khỏi.

Tán thành với giải pháp mà Chính phủ đã xác định, đại biểu Nguyễn Cao Phúc đề xuất cần tập trung thống nhất một đầu mối quản lý nợ công, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thẩm định, điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ; tăng cường công tác thẩm định các dự án, rà soát và kiên quyết loại bỏ các dự án không hiệu quả; tập trung chống thất thu và rà soát lại các chính sách nhằm giảm áp lực chi cho ngân sách…

* Rà soát hệ thống chỉ tiêu chủ yếu đúng thực chất, tránh hình thức

Phát biểu kết thúc 1,5 ngày thảo luận tại Hội trường về kinh tế- xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. Nội dung thảo luận phong phú, đa dạng, nhiều chiều và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về những nhận định, tình hình, đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 cũng như dự kiến nhiệm vụ năm 2015.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã phân tích, đánh giá, nhận định những nét nổi bật về kết quả đạt được và bổ sung thêm các khía cạnh khác nhau của những thuận lợi, khó khăn; những mặt làm được, chưa được, cùng với những nguyên nhân chủ quan, khách quan về tình hình kinh tế - xã hội; nhấn mạnh đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp về chính sách điều hành trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đa số đại biểu Quốc hội tán thành mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu của kinh tế - xã hội và môi trường; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ đã đề ra.

Đây là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm và năm 2015, là năm các nước Đông Nam Á theo lộ trình trở thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, cũng có nhiều thuận lợi, thời cơ để thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho cả nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại hệ thống chỉ tiêu chủ yếu cho đúng thực chất, tránh hình thức và cần cụ thể hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Trong đó, Chính phủ cần nhấn mạnh các nội dung, giải pháp như: cần dự báo tình hình thế giới và khu vực cũng như trong nước, để xác định mục tiêu cho phù hợp; trong đó mục tiêu tổng quát, thống nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, thực hiện ba đột phá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế cao và vững chắc hơn năm 2014.

Phát triển văn hóa xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; cải cách hành chính; phòng chống, tham nhũng lãng phí; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát huy những kết quả của đối ngoại, hội nhập.

Quốc hội đánh giá cao các thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình tại phiên họp, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực mình phụ trách; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm ta, xử lý vi phạm; giải quyết kịp thời những khó khăn, ách tắc của địa phương, doanh nghiệp trong phạm vi thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan Quốc hội phối hợp với Chính phủ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 trình Quốc hội xem xét.

Theo Chương trình, chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước năm và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.


Quỳnh Hoa- Nguyễn Cường





Bên lề quốc hội
Bên lề quốc hội

Bên lề kỳ họp, các đại biểu tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN