Họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Sáng 30/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ 18, thảo luận cho ý kiến về: Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự; Báo cáo những nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự; Đề án Thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Ban Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Cần thiết quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Trình bày Báo cáo về một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, đại diện Bộ Tư pháp cho biết: Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999, trong đó có hai vấn đề lớn là giảm quy định hình phạt tử hình và quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã xây dựng hai đề án: “Nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi)” và “Giảm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình”.

Cụ thể, về việc giảm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, các ý kiến cơ bản nhất trí với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo nêu trong đề án và cho rằng: Việc giảm quy định hình phạt tử hình, hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình là theo đúng chủ trương được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Các đề xuất trong đề án được nghiên cứu nghiêm túc, có cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với chủ trương đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đảm bảo nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự; đề cao quyền con người, trong đó có quyền sống được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Mặt khác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; phù hợp với xu hướng chung của thế giới về quy định và áp dụng hình phạt tử hình; phù hợp với truyền thống nhân văn của dân tộc.

Liên quan đến số lượng loại tội áp dụng đối với pháp nhân, nhất trí với ý kiến thứ nhất của ban soạn thảo, một số ý kiến cho rằng: Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề mới, nên trước mắt cần tập trung vào nhóm tội hiện đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, việc giới hạn số lượng các loại tội như dự thảo Đề án là phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, ngoài 15 tội như đề xuất trong dự thảo Đề án cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số tội phạm khác áp dụng đối với pháp nhân bảo đảm bao quát đầy đủ các hành vi pháp nhân có thể vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, như: hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả; hành vi vi phạm quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Đối với Đề án “Nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi)”, các ý kiến nhất trí với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo nêu trong Đề án và cho rằng: Các đề xuất được nghiên cứu nghiêm túc, tương đối đầy đủ các thông tin về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự một số quốc gia trên thế giới.

Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là sự thể chế hóa chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thể hiện trách nhiệm và sự tận tâm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự

Báo cáo những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự tại phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Để thực hiện mục tiêu và quán triệt các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật, phạm vi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này được xác định sửa đổi căn bản, toàn diện.

Trên cơ sở đó, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự có tổng số 471 điều, chia thành 8 phần, với 36 chương. So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 tăng 125 điều, cụ thể: bổ sung mới 142 điều, sửa đổi 264 điều, giữ nguyên 48 điều, bãi bỏ 17 điều.

Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng: Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung) được Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu nghiêm túc theo đúng quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Dự thảo Bộ luật cơ bản đã thể chế hóa các quan điểm cải cách tư pháp của Đảng, những nguyên tắc tư pháp tiến bộ liên quan đến tố tụng hình sự quy định trong Hiến pháp 2013.

Dự án Bộ luật đã tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp vẫn đang phát huy được tác dụng tích cực; sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật, phù hợp với quy định của các văn bản luật có liên quan.

Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cụ thể, về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không phải đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình. Vấn đề này, theo ý kiến của Bộ phận chuyên trách – Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền, nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”; “người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”.

Quy định nêu trên đã gián tiếp thừa nhận người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không đưa ra chứng cứ buộc tội hay các chứng cứ bất lợi cho mình, nhưng chưa đủ rõ, có thể hiểu và vận dụng khác nhau. Do vậy, cần quy định rõ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai báo, đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình.

Vấn đề này, một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ về quyền này theo hướng “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can có quyền không đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình”.

Xung quanh quyền yêu cầu giám định của bị can, bị cáo, người bào chữa, một số ý kiến đề nghị không bổ sung cho bị can, bị cáo, người bào chữa quyền yêu cầu giám định tư pháp, vì đã được Quốc hội quyết định khi thông qua Luật giám định tư pháp.

Tuy nhiên, một số ý khác cho rằng nên bổ sung cho bị can, bị cáo, người bào chữa quyền yêu cầu giám định trong trường hợp các đối tượng nêu trên không đồng ý, có nghi ngờ về tính đúng đắn, khách quan của kết luận giám định. Đồng thời quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân được bị can, bị cáo, người bào chữa yêu cầu giám định phải là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia giám định và thực hiện việc giám định theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn và một số ý kiến khác cho rằng quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa vô hình chung đã trao cho cơ quan tố tụng thẩm quyền cho phép hoặc không cho phép người bào chữa tham gia tố tụng. Do vậy, đề nghị bỏ quy định này và thay bằng quy định luật sư đăng ký bào chữa khi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ luật định.

Về trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa, nhiều ý kiến đồng tình với Nhóm nghiên cứu của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương là đề nghị mở rộng trường hợp bắt buộc mời người bào chữa. Các bị can, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội có khung hình phạt từ 12 năm tù trở lên bắt buộc phải có người bào chữa để từng bước thực hiện quy định tại khoản 7, Điều 103 của Hiến pháp năm 2013: “Quyền bảo chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”.

Đối với biện pháp điều tra đặc biệt, theo ý kiến của Bộ phận chuyên trách – Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, để đảm bảo thực hiện quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” tại khoản 2 điều 14 Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết, tất cả các biện pháp đều phải được quy định trong luật.

Việc quy định các biện pháp điều tra đặc biệt cần được cân nhắc, chỉ quy định đối với một số trường hợp thực sự cần thiết và xác định rõ thẩm quyền thủ tục áp dụng để tránh việc vận dụng tùy tiện. Bảo đảm thực hiện nguyên tắc việc điều tra chỉ được tiến hành theo quy định của pháp luật. Vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nên có cơ chế đặc thù.

Cũng trong sáng nay, phiên họp đã cho ý kiến Tờ trình về Đề án Thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh đây là 3 đề án luật rất quan trọng và lần đầu cho ý kiến. Hoan nghênh các cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị 3 đề án luật công phu, khoa học và thực tiễn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị: Việc xây dựng các đề án luật phải thể hiện đầy đủ và tuân thủ tuyệt đối đúng Hiến pháp 2013 cũng như các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Nội dung của các đề án luật phải nghiêm minh, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và có tính chất hội nhập quốc tế. Các cơ quan soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý và sớm chỉnh lý, hoàn thiện 3 đề án luật này trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét và Quốc hội cho ý kiến.


Nguyễn Cường (TTXVN)

Đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách tư pháp
Đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách tư pháp

Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương một số vấn đề về cải cách tư pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN