Cựu chuyên gia Cuba và những mẩu chuyện chưa kể về Bác

Năm 1966, trước tình hình Mỹ thực hiện chiến tranh leo thang phá hoại Việt Nam, Đảng Cộng sản Cuba đã quyết định bổ nhiệm một Ủy viên Trung ương Đảng và Tư lệnh Lực lượng vũ trang đảm nhiệm cương vị Trưởng phái đoàn quân sự kiêm Đại sứ Cuba tại Việt Nam nhằm tăng cường ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong giai đoạn khốc liệt nhất. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp đ/c Raúl Castro (giữa) - khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Cuba - tháng 9/1966. Đ/c Julio García đi ngoài cùng bên phải.


Ông Julio García Oliveras, khi đó 35 tuổi và là người phụ trách bộ phận kỹ thuật tại Bộ Các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba, được lựa chọn cho nhiệm vụ quan trọng ấy. Trong nhiệm kỳ 3 năm tại Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta khi đó, và sau khi trở về Cuba, ông vẫn liên tục đọc và viết về Việt Nam trong hơn bốn thập kỷ.

Vì thế, có thể nói đối với nước ta, ông Julio García Oliveras vừa là một nhân chứng lịch sử vừa là một nhà nghiên cứu có bề dầy. Và trong chặng đường dài theo dõi và nghiên cứu Cách mạng Việt Nam đó, nhân vật để lại trong ông ấn tượng sâu đậm nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, như ông đã từng viết trong phần mở đầu của tác phẩm “Hồ Chí Minh, nhà yêu nước, 60 năm đấu tranh cách mạng”: “Thiên anh hùng ca của Việt Nam phải được tô đậm trong biên niên sử của nhân loại, do tính chất phi thường của nó cũng như do trí tuệ vững vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc dẫn dắt dân tộc mình tới thắng lợi”.

Sự khâm phục của ông García Oliveras đối với lãnh tụ Cách mạng Việt Nam không chỉ thể hiện qua những nghiên cứu về tư tưởng chính trị - quân sự hay sự nghiệp đấu tranh không ngừng nghỉ của Người, mà còn cả trong những hồi ức dường như lúc nào cũng sống động trong ông. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông liên tục trích dẫn những câu nói, lời dậy của Bác; còn khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian tại Việt Nam, hầu hết các mẩu chuyện ông kể lại đều là những lần gặp gỡ, những lần trao đổi ngắn gọn nhưng súc tích với vị “Cha già dân tộc Việt Nam”.

“Chỉ vài ngày sau khi tới Hà Nội, tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên. Khi đó tôi rất xúc động vì được tiếp chuyện một huyền thoại cách mạng của thế giới, và có lẽ vì thế tôi hơi phấn khích trong phần trình bày của mình. Sau khi nói rõ về nhiệm vụ của tôi và khẳng định Cuba sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam bằng mọi cách, kể cả việc cử các chiến sĩ tình nguyện sang chiến đấu, tôi kết thúc bài hùng biện nhỏ của mình bằng câu nói nổi tiếng của Fidel (Castro): “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dân cả máu của mình”. Chủ tịch (Hồ Chí Minh) lắng nghe tôi một cách chăm chú, bình thản, và câu trả lời sau đó của Người khiến tôi kinh ngạc và không thể nào quên: “Chúng tôi biết rằng Cuba là một dân tộc cách mạng và chúng tôi tin tưởng vào tình hữu nghị và tinh thần quốc tế của các bạn, như đồng chí Fidel đã tuyên bố. Đúng là nhân dân Việt Nam chúng tôi tại cả miền Bắc lẫn miền Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh anh hùng vì độc lập, tự do, và chúng tôi tin chắc rằng mình sẽ đánh bại những kẻ xâm lược như đã từng đánh bại đế quốc Nhật và thực dân Pháp. Nhưng tôi vẫn luôn nói với các đồng chí trong Đảng rằng tấm gương anh hùng thực sự chính là nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel đang xây dựng chủ nghĩa xã hội tại đất nước chỉ cách đế quốc hùng mạnh nhất thế giới 90 dặm”.

Cuối tháng 10 năm 1966, đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cuba do Tổng thống Osvaldo Dorticós và Bộ trưởng Quốc phòng Raúl Castro dẫn đầu đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Bên cạnh những cuộc đàm phán chân tình, nghiêm túc đặt nền móng cho quan hệ song phương, ông García Oliveras cũng đã ghi lại những câu nói dí dỏm, thể hiện trí tuệ mẫn tiệp của Bác, như lời tổng kết ngắn gọn sau một buổi làm việc dài dưới đây:

“Chúng tôi luôn coi những người Cuba và đồng chí Fidel là anh em. Khi về nước, mong các bạn hãy chuyển những tình cảm này tới nhân dân Cuba và tới đồng chí Fidel, đó là những tình cảm từ trái tim chứ không phải những tuyên bố ngoại giao. Để chứng minh, xin kể cho các bạn nghe rằng mỗi khi trẻ em Việt Nam của chúng tôi nhìn thấy bức hình một người đàn ông có râu quai nón, các em đều gọi người đó là Fidel”.

Là chuyên gia quân sự từng nghiên cứu chiến lược “chiến tranh nhân dân” từ trước khi sang công tác tại nước ta, nhưng ông Julio García Oliveras cho rằng chỉ có tại “trường học đặc biệt” Việt Nam, ông mới có thể thực sự hiểu về tư tưởng chủ đạo và sức mạnh của phương thức đấu tranh cách mạng này, đặc biệt là qua những trao đổi ngắn gọn nhưng sâu sắc với Bác:

“Một lần, khi tôi hỏi liệu Chủ tịch có lo lắng về nguy cơ Mỹ thả bom nguyên tử xuống miền Bắc không, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời rằng trên thực tế lượng bom Mỹ thả xuống Việt Nam cũng đã có sức tàn phá không kém một quả bom nguyên tử rồi và rằng “Đối với chúng tôi, đó cũng chỉ là một bước leo thang chiến tranh khác nữa thôi. Chúng tôi không mong muốn điều đó, nhưng phải chuẩn bị cho tất cả”.

Lại một lần nữa, để giải đáp sự ngạc nhiên của tôi trước việc quân đội Việt Nam vẫn có thể đột phá qua “hàng rào điện tử McNamara” hiện đại tối tân và tiếp tục dòng lưu thông vận chuyển vào miền Nam, Người đưa ra một triết lý giản đơn: “nếu một chiến sĩ không tìm ra cách (vượt qua hàng rào), thì một nhóm chiến sĩ cùng nhau suy nghĩ sẽ tìm ra thôi. Nó cũng giống như phát minh ra máy điện toán, đó không phải là thành quả công việc của một người, mà là của tập thể”.

Để thay lời kết cho bài ghi chép này, chúng tôi xin trích dẫn lời tổng kết của chính ông Julio García Oliveras trong tác phẩm viết về Bác đã nêu trên:

“Để hiểu một cách công bằng, chính xác về cuộc đời của Người, cần phải tìm hiểu rõ những khó khăn khổng lồ mà Người đã phải vượt qua trong sự nghiệp cách mạng dài và bận rộn của mình. Cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ tự do và độc lập nước nhà đã choán đầy cuộc đời của Hồ Chí Minh, người luôn đứng ở tuyến đầu với những nguyên tắc không thể bẻ gẫy nhưng đồng thời có phong cách đấu tranh chính trị linh hoạt và khéo léo. Việc áp dụng thần kỳ chiến lược chiến tranh nhân dân và chính sách đại đoàn kết dân tộc đã giúp Người đánh bại hai cường quốc thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một đóng góp to lớn khiến tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được đời đời ghi nhớ”.

Lê Hà(P/v TTXVN tại Cuba)

Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lễ dâng hương được tiến hành tại nhiều nơi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN