Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm HIV, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Chú thích ảnh
Những bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được khám, cấp thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Quyết định nêu rõ, người được xác định bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cụ thể. Đó là khi đang thi hành nhiệm vụ bị một trong các tai nạn sau: Bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương; bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người không xác định được tình trạng nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương.

Điều kiện tiếp theo là có kết quả xét nghiệm HIV âm tính do cơ sở xét nghiệm theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm HIV phải lấy từ người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai nạn.

Người được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện là: Bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; Có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm phải lấy từ người bị phơi nhiễm với HIV tại thời điểm từ đủ 30 ngày đến trước 180 ngày kể từ thời điểm bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Quyết định nêu rõ, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý và các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành khác trừ trường hợp quy định trên.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (cơ quan quản lý) gửi 1 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Cách thức nộp hồ sơ: Trực tiếp; qua đường bưu chính; trên môi trường điện tử.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do và hướng dẫn cho cơ quan quản lý bổ sung hồ sơ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2023.

TTXVN/Báo tin tức
Trên 60.000 người sử dụng liệu pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Trên 60.000 người sử dụng liệu pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Từ năm 2017 đến nay, đã có trên 60.000 người sử dụng liệu pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), trong đó chủ yếu là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây được xem là một trong những biện pháp hiệu quả giúp kìm hãm sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng MSM.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN