Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Hôm nay công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Sáng 10/6, với 476 đại biểu tán thành (95,58% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua danh sách 47 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.


Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Nhấn mạnh đến những căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người thuộc diện được bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tất cả những người thuộc diện này đều đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, tự đánh giá về kết quả công tác theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian từ khi được bầu giữ chức vụ được giao và nhất là 1 năm vừa qua. Đây là nguồn thông tin quan trọng nhất để các đại biểu Quốc hội cân nhắc, xem xét trước khi tiến hành bỏ phiếu.


Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một căn cứ khác cũng cần được chú ý là tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tư pháp của đất nước. Diễn biến này phản ánh kết quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung cũng như của những người thuộc diện lấy phiếu nói riêng. Chính căn cứ này cho thấy những việc đã làm được và cả những tồn tại, yếu kém, chậm được khắc phục, khắc phục chưa hiệu quả trên từng lĩnh vực để Quốc hội xem xét, đánh giá.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, kết quả hoạt động của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay trên các mặt lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kết quả chất vấn…, cũng là căn cứ để xem xét từng lĩnh vực quản lý Nhà nước. Một nguồn thông tin khác cũng rất đáng chú ý là kiến nghị của cử tri cả nước trên mọi lĩnh vực được báo cáo trước Quốc hội.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đồng bào, cử tri cả nước đều biết, các đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động của mình với tư cách đại diện cho cử tri, tiến hành đánh giá một cách toàn diện đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước và các vị được lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội phải khách quan, thận trọng, chính xác và hết sức công tâm để đảm bảo chất lượng hoạt động của Quốc hội.


Đây thực sự là cuộc bỏ phiếu kép. Cử tri bỏ phiếu cho đại biểu Quốc hội, còn chính đại biểu Quốc hội thì bỏ phiếu, thực hiện quyền năng chính trị, quyền năng pháp lý của chính đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng, Nhà nước; trước cử tri và nhân dân cả nước.


Liên quan đến tiêu chí để xem xét danh sách những người thuộc diện được bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phải thỏa mãn các điều kiện như: Đang giữ chức vụ được Quốc hội bầu và phê chuẩn; có thời gian giữ chức vụ đó khoảng 1 năm. Danh sách này do Quốc hội quyết định tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.


Đối với trường hợp ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ông Huệ từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính nhưng đã được Quốc hội miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ công tác khác. Ông Huệ có đủ thời gian giữ chức vụ theo quy định nhưng hiện không còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, vì vậy ông Huệ sẽ được tiến hành lấy phiếu ở đơn vị công tác mới.


Ông Đinh Tiến Dũng mới được Quốc hội bầu giữ chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính, chưa đủ thời gian công tác để tiến hành đánh giá tín nhiệm. Ông Dũng cũng đã được Quốc hội miễn nhiệm chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước nên không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Đối với ông Nguyễn Hữu Vạn, mới được Quốc hội bầu giữ chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước nên chưa đủ điều kiện về thời gian để đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm.


Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người thuộc danh sách trên.

 

* Chiều 10/6, Quốc hội đã bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại hội trường.


Buổi làm việc chiều 10/6 có sự tham dự của các đại biểu dự thính đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.


Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đoàn và tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội.


Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương đọc danh sách Ban kiểm phiếu gồm 29 đại biểu Quốc hội do ông Đỗ Văn Chiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái làm Trưởng ban.


Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua danh sách Ban kiểm phiếu với tỷ lệ 488 đại biểu tán thành (97,99% tổng số đại biểu Quốc hội).


Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội đã nghe ông Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban kiểm phiếu trình bày thể lệ và hướng dẫn cách thức lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.


Theo đó, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.


Sáng nay (11/6), Quốc hội làm việc tại hội trường, công bố kết quả và thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. Nghị quyết này sẽ được công bố công khai với đồng bào, cử tri cả nước.


Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN