Người dân Hy Lạp hồ hởi với lựa chọn 'không'

Sau cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên của Hy Lạp trong hơn 4 thập kỷ vào ngày 5/7, với kết quả cuối cùng là 61% cử tri ủng hộ nói “không” với biện pháp khắc khổ, hàng ngàn người dân ở đất nước đông nam châu Âu này đã tập trung về quảng trường Syntagma trước tòa nhà Quốc hội để ăn mừng.

Hàng nghìn người dân Hy Lạp vẫy quốc kỳ và hô to “Không, không, không!”, nhưng kết quả này cũng đồng nghĩa với một con đường chông gai phía trước rất có thể buộc Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone và sử dụng đồng tiền riêng của nước này kèm theo đó là tổn thất lớn với kinh tế nội địa.


Cử tri Hy Lạp ủng hộ nói “không” vẫy cờ in tên Thủ tướng Alexis Tsipras tại Athens. Thủ tướng Hy Lạp trước đó đã kêu gọi người dân chọn lựa “không” và ông hy vọng rằng điều này có thể buộc châu Âu phải vung tiền với ít biện pháp khắc khổ đi kèm đồng thời xóa bỏ một vài món nợ khổng lồ của nước này.


Hiện nay Hy Lạp đang rất “khát” tiền mặt để mở cửa trở lại các ngân hàng đã “nghỉ ngơi” trong một tuần qua.


Người dân tập trung ăn mừng trên đường phố ở trung tâm Athens.


Ngay trước cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp, các lãnh đạo châu Âu đã khẳng định rằng lựa chọn nói “không” cho thấy Hy Lạp chưa sẵn sàng đi những bước cần thiết để tái cấu trúc tài chính và hồi phục nền kinh tế.


Bước đi tiếp theo của châu Âu và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn chưa rõ ràng. Họ đã từng “cứu” Hy Lạp hai lần kể từ năm 2010 với khoản vay lên tới 240 tỉ euro (khoảng 264 tỉ USD).

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương vào tối ngày 6/7 tại Paris (Pháp) để bàn về kết quả của cuộc trưng cầu ý dân Hy Lạp.

Cùng ngày, các lãnh đạo cấp cao khác, bao gồm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi sẽ có những cuộc thảo luận trước khi hội nghị của cấp cao giữa 19 nước sử dụng đồng tiền chung euro diễn ra vào ngày 7/7 tới.

Tuy nhiên đối với người dân Hy Lạp, những năm tháng phải cắt giảm lương và lương hưu vừa qua là đã quá đủ, họ mong muốn lấy lại quyền kiểm soát nền kinh tế bằng việc rời eurozone và quay trở lại với đồng drachma trước đây của họ.


Hiện tại Hy Lạp đang phải trải qua thời kỳ rất khó khăn khi nhiều ngân hàng đã đóng cửa trong cả một tuần và lượng tiền được rút từ ATM chỉ được giới hạn 60 euro/ngày. Những ngân hàng này khó có thể mở lại vào ngày 7/7 như dự kiến nếu ECB không trợ giúp cho vay kịp thời.


Hiện tại nhiều ngành dịch vụ công của Hy Lạp đã bắt đầu “lao đao”, lãnh đạo của bệnh viện Elpis tại Athens cho biết nguồn cung thuốc men hiện đang dần “nhỏ giọt”.


Kết quả cuộc trưng cầu dân ý được chiếu trên truyền hình tại ngôi làng Meyisti ở đảo Kastellorizo. Chính tại hòn đảo này vào năm 2010, cựu Thủ tướng George Papandreou công bố Hy Lạp cần tới một gói cứu trợ.


Căng thẳng diễn ra khi các cử chi với lựa chọn khác nhau xô xát vào rạng sáng 6/7, cảnh sát chống bạo động được cử tới khu vực, bom xăng đã bị một số phần tử quá khích ném ra.


Kể từ khi Eurozone được thành lập năm 1999, chưa có quốc gia nào từng rời khỏi khối này.


Hà Linh (Theo Reuters)
Giá vàng tăng sau cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp
Giá vàng tăng sau cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp

Giá vàng trên thị trường châu Á tăng do các nhà đầu tư tìm kiếm đến vàng như là một kênh bảo toàn tài sản sau cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN